Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 28-05-2024

Tăng cường liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Việc tăng cường liên kết chuỗi giá trị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, giữa doanh nghiệp với nhà nông tại Động bằng sông Cửu Long đang mở rộng giúp nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu của gạo Việt.

Tăng cường liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 40,28% diện tích lúa được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất. Trong đó, 12,1% tổng sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu; 37,5% thông qua hợp tác xã để phân phối lại cho doanh nghiệp; và 49,5% qua thương lái.

Vụ thu hoạch lúa của bà con nông dân ĐBSCL. Ảnh ST

Cục trưởng Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh, cho biết việc liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo đã có những cải thiện đáng kể nhờ các chính sách khuyến khích từ Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy mô liên kết vẫn còn hạn chế với diện tích, sản lượng và số hộ nông dân tham gia còn ít. Nhiều liên kết còn thiếu bền vững, thường thay đổi đối tác hoặc không thực hiện đúng hợp đồng.

Thực tế hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến bảo quản và chế biến, trong khi phần lớn vẫn là mua bán kém bền vững. Điều này đòi hỏi cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt khi sản xuất lúa gạo hiện đang áp dụng giống chất lượng cao, quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại tỉnh Sóc Trăng, sản lượng lúa đạt 2,1 triệu tấn/năm, nhưng chỉ 17% diện tích canh tác lúa có liên kết theo chuỗi, phần còn lại chủ yếu qua thương lái. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thương lái đóng vai trò quan trọng trong việc linh hoạt định giá, điều chuyển phương tiện vận chuyển và chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp thu mua.

Để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, cần lưu ý đến vai trò của thương lái và đưa họ tham gia chính thức vào chuỗi liên kết từng địa phương. Chuỗi liên kết sẽ bao gồm doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu mối, hệ thống thương lái, môi giới trung gian, tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn Trần Minh Hải cho rằng, để thương lái có thể tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, họ cần có "giấy chứng nhận hành nghề", được đăng ký hành nghề và được xem là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Trong vụ Hè Thu 2024, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long canh tác trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn phức tạp. Đây cũng là vụ đầu tiên một số địa phương triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Những cánh đồng liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP giữa doanh nghiệp và nhà nông đang liên tục mở rộng.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: "Gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới có thể xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ. Nếu có chất cấm, gạo sẽ bị loại ngay."

Về phía ông Huỳnh Văn Hòa - Công ty TNHH Chế biến lương thực Hồng Phát chia sẻ: "Khi gắn kết, doanh nghiệp cũng nhắc nhở người nông dân nên canh tác thế nào, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào để đảm bảo được chất lượng gạo".

Canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn là chủ trương lớn hướng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm khuyến khích nông dân áp dụng. TP. Cần Thơ với khoảng 70.000 ha lúa vụ Hè Thu năm nay, hầu như chất lượng đều được ổn định.

Được biết, Đồng bằng sông Cửu Long đang thí điểm Đề án 1 triệu ha tại 5 địa phương gồm TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Đề án này hướng tới mục tiêu cung cấp thêm nguồn lúa chất lượng, đảm bảo lượng gạo chất lượng cao cho mục tiêu xuất khẩu xanh, phát thải thấp.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang một số thị trường khu vực Âu Mỹ tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay, đạt hơn 181.000 tấn, trị giá gần 136 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Việt Nam hướng tới trở thành nhà cung cấp gạo cao cấp, tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa.

Nhìn chung, Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao vai trò của thương lái và phát triển các mô hình sản xuất bền vững để tăng cường chất lượng và giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 22
Tổng lượt truy cập: 4.056.243
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!