Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 10-06-2024

Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”

Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” nhằm cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cho nỗ lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của doanh nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030”. Trong đó, đặt ra mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

Trên cơ sở hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân thành lập viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học và công nghệ… Những cơ chế, chính sách đó đã đem lại những kết quả tích cực. Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023 (Global Innovation Index - GII 2023), Việt Nam có sự cải thiện khi tăng 2 hạng, từ vị trí 48 lên 46/132 quốc gia, nền kinh tế về ĐMST toàn cầu, đồng thời, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển.

Đánh giá về trình độ phát triển tương quan giữa các khu vực của Việt Nam, hiện nay, đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vẫn là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Startup Blink), 2 thành phố này nằm trong top 200 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu trong năm 2023 (TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 114, Hà Nội đứng thứ 174). Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 4 kỳ lân công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD bao gồm: VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis. Trong đó, VNG và Sky Mavis là những cái tên nổi bật trong mảng game trực tuyến.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Nghị quyết số 98 của Quốc hội…, các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST (so với trước đây tập trung ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn đầu tư). Việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm ĐMST do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân (chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) bước đầu được quan tâm. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về cơ chế thí điểm (sandbox) cho ĐMST đã được quan tâm hơn và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này đang được nghiên cứu, sửa đổi. Đến nay, các hoạt động hỗ trợ ĐMST cũng gia tăng về chất lượng, số lượng, điển hình như: Diễn đàn Quỹ Đầu tư ĐMST (VVS); Triển lãm Quốc tế ĐMST Việt Nam (VIIE); Hợp tác với Google nâng cao năng lực số; Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư; Hỗ trợ không gian làm việc, hệ thống phòng Lab, kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư, trường đại học…

Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh đã đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, trong đó, cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước (về kỹ thuật: như các công nghệ mới; về kinh tế: như kinh tế số, kinh tế chia sẻ; về xã hội: như vấn đề an ninh thông tin cá nhân, cân bằng cuộc sống, già hóa dân số; về môi trường: như xu thế quản lý hiệu quả nguồn lực khan hiếm) và thế mạnh của Việt Nam hoặc từng địa phương, từng doanh nghiệp (hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…) để lựa chọn con đường thực hiện ĐMST.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề như: hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tận dụng các cơ hội xây dựng Quy hoạch phát triển để xây dựng các khu vực, trung tâm ĐMST; những điểm nghẽn dễ làm, dễ sửa nhưng có tác động lớn trước; các cơ chế, chính sách ĐMST khu vực công; tháo nhanh các nút thắt về điều kiện kinh doanh; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi (lĩnh vực kinh doanh, công nghệ); bổ sung các giải pháp khuyến khích như: fintech, sàn giao dịch tín chỉ các-bon…, huy động nguồn lực cho ĐMST như: quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng…; huy động nguồn vốn của các dự án hỗ trợ ODA, xây dựng Chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, hỗ trợ cho các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp; doanh nghiệp, startups, nhân tài.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 16
Hôm nay: 4175
Tổng lượt truy cập: 3.948.098
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!