Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục"
Ngày 7/6/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục”, nhằm hướng tới thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation - Chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ Australia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục"
Toạ đàm do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, có sự tham gia của đại diện Chương trình Aus4Innovation và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách, pháp luật và giáo dục.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã có nhiều tham luận cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. AI đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa - điều chỉnh việc học, nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. AI cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực dữ liệu đó và phân tích dữ liệu đó bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy. Qua đó tiềm năng đầy hứa hẹn của AI trong giáo dục có thể được khai thác và việc sử dụng AI có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan - từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh bên cạnh những giá trị cốt lõi về công nghệ đó, việc triển khai ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục cũng sẽ có thể đi kèm với rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm tới các khía cạnh đạo đức và xã hội của AI như: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế-xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lây lan của các định kiến xã hội và văn hóa; đảm bảo rằng tất cả người học - bất kể họ sống ở đâu - đều có quyền truy cập vào cơ hội tiếp cận bình đẳng tất cả các lợi ích mới nổi. Trên cơ sở nhận diện các rủi ro đó, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng cần có sự bàn thảo, hướng tới mục tiêu ưu tiên phát triển công nghệ AI hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của con người nói chung cũng như từng cá nhân riêng lẻ. Trong đó, tập trung vào các nguyên tắc cốt lõi như: cách tiếp cận hướng tới con người và nhân văn; tôn trọng quyền tự chủ và ý chí tự do của con người; tuân thủ pháp luật; không phân biệt đối xử; đánh giá rủi ro và tác động nhân đạo.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục cũng như đã phân tích, nhận diện xu thế và kinh nghiệm quốc tế về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Các chuyên gia đều khẳng định, ứng dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần có quy chế, quy định về đạo đức để thúc đẩy sử dụng AI một cách hiệu quả và tối ưu, hướng tới đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng AI một cách có trách nhiệm đối với cả người dạy và người học.