Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 11-04-2023

Chất thải cà chua được dùng làm lớp phủ thực phẩm không chứa BPA

BPA (bisphenol A) trong một số loại nhựa đóng gói thực phẩm được cho là gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã đưa ra giải pháp thay thế vô hại nhờ sử dụng chất thải cà chua, thường được vứt bỏ.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã nêu rõ ăn phải BPA có thể dẫn đến các vấn đề như bệnh tim, vô sinh, tiểu đường và khó khăn trong quá trình phát triển của trẻ em. Do đó, hiện nay, các sản phẩm như chai nước được quảng cáo là "không chứa BPA". Điều đó cho thấy hợp chất này vẫn được sử dụng rộng rãi làm lớp phủ nhựa bên trong bao bì thực phẩm bằng kim loại như vỏ hộp. Lớp phủ chống nước bóng mượt này giúp bảo vệ kim loại khỏi bị ăn mòn, ngoài ra chúng còn giữ cho thực phẩm không bị dính vào bên trong hộp.

Dựa vào các nghiên cứu trước đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học tại Viện trồng trọt cận nhiệt đới và Địa Trung Hải La Mayora và Viện Khoa học Vật liệu Seville của Tây Ban Nha đã nghiên cứu bã cà chua, một loại chất thải nông nghiệp. Vật liệu này thường bao gồm vỏ, hạt và cuống cà chua, còn sót lại sau khi quả cà chua đã được chế biến để sử dụng trong thực phẩm như nước sốt hoặc nước ép. Thông thường, bã cà chua được vứt bỏ tại các bãi rác, đốt cháy hoặc tốt nhất là ủ phân. Bên cạnh đó, bã cà chua cũng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, dù không có nhiều giá trị dinh dưỡng.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sấy khô bã cà chua, đầu tiên là dưới ánh nắng mặt trời trong ba ngày, tiếp đến là trong lò nướng ở nhiệt độ 60ºC trong 16 giờ, sau đó nghiền thành bột. Bột được trộn với dung dịch natri hydroxit và đun nóng ở 100ºC trong bốn giờ. Sau nhiều lần lọc dung dịch đó để loại bỏ natri hydroxit, các nhà nghiên cứu đã thu được một hợp chất sáp gọi là lipit.

Lipit sau đó được trộn vào dung dịch cồn etylic và phun lên các mẫu nhôm, thép không thiếc và thép tráng thiếc. Khi lớp phun đã khô và các mẫu được nung nóng trong lò ở nhiệt độ 200ºC trong 10 đến 60 phút, kết quả là một lớp phủ sơn được polime hóa rất hiệu quả trong việc bảo vệ kim loại bên dưới.

Lớp sơn phủ hoạt động đặc biệt tốt với nhôm, giữ cho nhôm không bị oxy hóa ngay cả sau khi ngâm trong nước mặn 170 giờ. Lớp phủ cũng có tính kỵ nước cao (không thấm nước), bám dính tốt vào kim loại và không bị thấm nước theo thời gian.

Các nhà khoa học hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm lớp phủ trên các hộp thực tế dùng đựng nhiều loại thực phẩm. Alejandro Heredia, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi sẽ lấy nước sốt cà chua, cá ngừ và các loại thực phẩm khác, thường được đóng hộp để bán và chúng tôi sẽ khử trùng chúng, cho vào hộp thiếc và kiểm tra xem chúng có chịu được các điều kiện thực tế hay không”.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 310
Tổng lượt truy cập: 4.030.685
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!