Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 05-09-2023

Quét mắt 3D giúp xác định những người có nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Dữ liệu cho thấy quét mắt 3D, quy trình được sử dụng rộng rãi ở các các phòng khám nhãn khoa, có thể giúp xác định những người có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao, 7 năm trước khi họ có triệu chứng.

Phát hiện này bổ sung thêm vào hàng loạt bằng chứng đến nay cho thấy rằng dữ liệu quét mắt có thể giúp phát hiện các bệnh thoái hóa thần kinh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kỹ thuật này có thể giúp xác định các dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng và bệnh tâm thần phân liệt. Lĩnh vực nghiên cứu mới nổi này, được gọi là “occulomics”, cũng đang được nghiên cứu như một phương tiện để xác định những cá nhân có xu hướng mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.

Các bác sĩ từ lâu đã coi mắt là cửa sổ nhìn vào sức khỏe con người. Những thay đổi về thị giác, vàng mắt hoặc nhãn cầu lồi, có khả năng gợi ý các bệnh như tiểu đường, tổn thương gan hoặc bệnh tuyến giáp.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Gần đây hơn, một loại quét 3D được gọi là chụp cắt lớp quang học (OCT), sử dụng sóng ánh sáng để chụp ảnh mặt cắt ngang của võng mạc – vùng mô thần kinh ở phía sau mắt cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu đến não, đang được ngày càng nhiều phòng khám nhãn khoa trên thế giới sử dụng để giúp xác định các bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.

Với sự ra đời của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và những tiến bộ trong chụp ảnh võng mạc, các nhà khoa học hiện đang điều tra xem liệu các tình trạng khác bệnh có thể được phát hiện qua võng mạc hay không.

“Mắt là bộ phận duy nhất trên cơ thể mà chúng ta có thể ghi nhận trực tiếp quá trình lưu thông của máu chảy qua các mạch nhỏ nhất. Nếu có những thay đổi trong hệ thống máu hoặc tim mạch của bệnh nhân, những thay đổi đó có thể biểu hiện ở mạch máu võng mạc" - Pearse Keane, giáo sư về trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Đại học College London (UCL) và Bệnh viện mắt Moorfields, giải thích.

“Võng mạc cũng là một phần của hệ thống thần kinh trung ương. Khi nó hình thành trong phôi thai, nó phát triển từ mô thần kinh. Võng mạc là một phần có thể tiếp cận được của não. Nó là phần duy nhất của bộ não mà bạn có thể ghi nhận dữ liệu trực tiếp mà không cần mở hộp sọ", Keane nói.

Keane và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu tiềm năng của hình ảnh võng mạc trong việc phát hiện một loạt các tình trạng khác nhau, từ tâm thần phân liệt và bệnh tim mạch đến bệnh Alzheimer. Họ liên kết dữ liệu ẩn danh từ hàng nghìn bệnh nhân tại Bệnh viện mắt Moorfields với Cơ sở dữ liệu NHS quốc gia Vương quốc Anh - cơ sở dữ liệu ghi lại mọi lần khám bệnh tại bệnh viện ở Vương quốc Anh. Kết hợp 2 bộ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sức khỏe trong tương lai của bất kỳ ai chụp OCT mắt tại Moorfields.

Trong nghiên cứu hiện tại, họ đã sử dụng AI để so sánh dữ liệu quét mắt OCT từ 700 bệnh nhân phát triển bệnh Parkinson với dữ liệu quét mắt OCT từ hơn 100.000 bệnh nhân không phát triển bệnh. Kết quả, sự khác biệt về độ dày của lớp tế bào võng mạc bên trong dường như có liên quan đến sự phát triển của bệnh Parkinson.

Họ cũng kiểm tra dữ liệu từ 67.311 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu Biobank của Vương quốc Anh – cơ sở dữ liệu trực tuyến bao gồm hồ sơ y tế và lối sống ẩn danh từ hàng trăm nghìn người tham gia ở Vương quốc Anh – và từng chụp ảnh võng mạc. Keane cho biết: “Sử dụng dữ liệu này, chúng tôi có thể chỉ ra rằng những thay đổi võng mạc có thể được nhìn thấy trước 7 năm ở những người sẽ phát triển bệnh Parkinson". Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology.

Mặc dù Keane nhấn mạnh rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn, và công nghệ chụp võng mạc có lẽ sẽ mất vài năm nữa mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson, nhưng trong tương lai, bệnh nhân có thể đi kiểm tra mắt định kỳ và phát hiện sớm các dấu hiệu của các bệnh khác.

Tiến sĩ Siegfried Wagner thuộc Viện Nhãn khoa UCL và bệnh viện mắt Moorfields, người dẫn đầu nghiên cứu đăng trên Neurology, cho biết: “Việc phát hiện dấu hiệu của một số bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện có nghĩa là trong tương lai, mọi người có thể có thời gian để thay đổi lối sống để ngăn ngừa một số tình trạng bệnh có nguy cơ phát sinh, và các bác sĩ lâm sàng có thể trì hoãn sự khởi phát cũng như tác động của các chứng rối loạn thoái hóa thần kinh".

“Parkinson là một tình trạng phát triển dần dần theo thời gian và nghiên cứu đã cho thấy tổn thương có thể bắt đầu từ nhiều năm trước khi các triệu chứng xuất hiện. Can thiệp sớm là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng này" - Claire Bale, phó giám đốc nghiên cứu của Parkinson’s UK, cho biết. “Nghiên cứu này mang lại hy vọng rằng việc quét mắt có thể được sử dụng để xác định những người có nguy cơ mắc bệnh Parkinson để có thể điều trị sớm. Và bởi vì quét mắt được phân tích trong nghiên cứu này là không xâm lấn và đã được sử dụng thường xuyên, quy trình này có thể dễ dàng được đưa vào thực tế".

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1470
Tổng lượt truy cập: 4.028.779
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!