Thùng rác Mill: Biến thực phẩm thừa thành thức ăn chăn nuôi
Các chuyên gia tin rằng một chiếc thùng rác công nghệ cao giúp xử lý thực phẩm trong căn bếp sẽ là nút thắt quan trọng giúp hạn chế hàng triệu tấn rác thực phẩm trên toàn thế giới, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Matt Rogers (bên phải) và Harry Tannenbaum đồng sáng lập Mill Industries.
Năm 2018, khi Matt Rogers, nhà đồng sáng lập Nest Labs, tuyên bố sẽ rời khỏi Google, nhiều người đã tò mò về dự định tiếp theo của anh. Matt Rogers từng là quản lý cấp cao mảng phát triển phần mềm tại Apple từ năm 2007 - 2010. Sau đó, anh đã thành lập Nest Labs, công ty chuyên phát triển các thiết bị điều chỉnh nhiệt thông minh, camera an ninh và thiết bị báo cháy cho gia đình. Google sau đó đã mua lại Nest Labs vào năm 2014 với giá 3,2 tỷ USD.
Với khả năng sáng tạo của Rogers, người ta tin rằng hướng đi tiếp theo của anh sẽ là một công nghệ đột phá có sức lan tỏa. Do đó, họ đã không khỏi bất ngờ khi năm 2020, Rogers đã thành lập nên startup Mill, chuyên sản xuất… thùng rác xử lý thức ăn thừa thành thức ăn cho gà.
Chiếc thùng rác được cắm vào ổ cắm điện, sử dụng Bluetooth để kết nối với điện thoại và có kết nối Internet Wi-Fi để cập nhật phần mềm. Nó sẽ làm khô, xay và khử mùi rác thải thực phẩm.
Vào buổi tối, chiếc thùng bắt đầu hoạt động. Đèn trên nắp thùng nhấp nháy, biểu tượng ổ khóa sáng lên, và bên trong thùng là tiếng quay đều đặn của các cánh kim loại đang từ từ lật vỏ trứng, cọng cần tây, bã cà phê và xương gà. Trước khi Mặt trời ló rạng, thùng chứa sẽ hoàn tất nhiệm vụ của mình và biến tất cả thức ăn thừa thành bã màu nâu nhạt - chúng chính là thức ăn cho gà. Số bã này sau đó sẽ được chuyển đến trang trại chăn nuôi. Phải mất đến vài tuần để làm đầy chiếc thùng rác, do đó bạn có thể tiếp tục vứt thức ăn thừa vào đây mỗi đêm mà không cần phải đổ liên tục.
Mill ra đời từ nỗi trăn trở của Harry Tannenbaum, một đồng nghiệp của Matt Rogers khi anh còn làm tại Nest. Hầu hết chúng ta đều từng để quên thức ăn trong tủ lạnh đến chín nẫu và lên mốc, sau đó phải vứt đi; hoặc nấu một lượng lớn món ăn và phải đổ bỏ vì ăn không hết. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 63 triệu tấn rác thải thực phẩm do các hộ gia đình và doanh nghiệp tạo ra chỉ riêng trong năm 2018, nhưng chỉ 4% trong số đó được dùng làm phân trộn. Lãng phí và thất thoát lương thực góp phần gây biến đối khí hậu. “Tại sao không cho gà ăn số thực phẩm đó?” - Câu hỏi này nảy đến với Tannenbaum.
Thùng rác thực phẩm do Mill sản xuất có khả năng biến thức ăn thừa thành bã khô màu nâu, không mùi, chỉ sau một đêm.
Tannenbaum bàn bạc với Matt Rogers về ý tưởng mới lạ này. Họ đã liên hệ với các chuyên gia về chuỗi thức ăn để vạch ra kế hoạch cụ thể. Cuối cùng, họ đã nghĩ ra việc phát triển một hệ thống xử lý rác ngay từ trong bếp. Nó có thể chứa nhiều chất thải thực phẩm hơn so với hầu hết các máy làm phân trộn tại nhà nhưng lại gọn gàng hơn. “Bạn có thể cho bất kỳ loại thực phẩm nào vào chiếc máy của chúng tôi — từ xương gà, hạt bơ cho đến vỏ cam”, Rogers cho biết. “Chúng tôi tách nước ra và nghiền thành một loại bột màu nâu. Từ loại bột này, chúng tôi tạo ra hỗn hợp nguyên liệu làm thức ăn cho gà”.
Ồ, và đừng xem nó là rác. Đó là nguồn dinh dưỡng! Chỉ là chúng không còn là nguồn dinh dưỡng đối với con người. “Nó có giá trị!” Kristen Virdone, Giám đốc sản phẩm của Mill, chia sẻ.
Sau khi những người sáng lập đã thảo luận xong kế hoạch, họ áp dụng những chiến lược mà họ đã đúc rút được từ quãng thời gian làm việc tại Thung lũng Silicon để biến kế hoạch trên giấy thành một công ty. Họ đã kiếm được hàng triệu USD tiền tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các kỹ sư đã tạo ra bộ lọc than siêu đặc để hấp thụ mùi thức ăn. Họ thỏa thuận với đơn vị vận chuyển để thu gom phần bột đã xử lý và chuyển chúng đến cơ sở Mill. Họ đã thiết kế một ứng dụng hấp dẫn. Và họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để có được tên miền mill.com. Giờ đây, Mill đã có 100 nhân viên.
Thực phẩm cho gà
Một trong những câu hỏi mà Mill nhận được nhiều nhất, đó là làm thế nào để công ty chắc chắn rằng những thứ người dùng ném vào thùng không độc hại? Rogers nói rằng nhiệt độ và việc tách nước sẽ loại bỏ vi khuẩn, ngoài ra phần bã thành phẩm sẽ được xử lý thêm sau khi chúng được chuyển đến các cơ sở của Mill, chứ không ngay lập tức sử dụng làm thực phẩm cho gà.
Liệu số bã này sẽ có vị gì? “Bạn sẽ không muốn ăn nó đâu,” Rogers chia sẻ, anh thừa nhận rằng mình đã từng nếm thử chúng. “Nó có vị bánh mì cháy,” nhưng anh bày tỏ rằng vị của chúng thậm chí còn dở tệ hơn.
Nhiều người thắc mắc rằng làm sao đội ngũ phát triển Mill có thể xem đây là một kế hoạch thân thiện với môi trường khi họ đang điện khí hóa một thùng rác, để nó vận hành hàng giờ mỗi đêm và sau đó sử dụng dịch vụ vận chuyển để thu gom sản phẩm trên khắp đất nước? Mill trả lời rằng mặc dù số kilowatt thùng rác tiêu thụ mỗi ngày tương đương với một chiếc máy rửa chén - và quy trình đòi hỏi tiêu tốn năng lượng để vận chuyển bã, nhưng sự đánh đổi này hoàn toàn có lợi cho khí hậu. Mill tính toán vào cuối năm nay, việc người dùng nạp một pound rác thải mỗi ngày vào thiết bị của họ sẽ giúp thế giới tránh được hơn nửa tấn khí thải CO2 .
Cụ thể, dịch vụ của Mill gồm các bước:
Trước tiên, người dùng bỏ chất thải thực phẩm vào thùng rác. Trong đêm, thiết bị sẽ cắt nhỏ và sấy khô chất thải thành vật liệu giống như bã cà phê. Theo ghi nhận, nó không có mùi và chất thải đã khử nước chỉ còn khoảng 80% khối lượng ban đầu. Thiết bị này sử dụng lượng điện năng tương đương với một chiếc tủ lạnh thông thường.
Một tháng, thùng sẽ đầy từ một đến hai lần, lúc đó nó sẽ phát tín hiệu thông báo cho người dùng để họ gửi bã xử lý đến trung tâm xử lý Mill. Mill cung cấp sẵn cho khách hàng một hộp có dán nhãn để vận chuyển. Khách hàng sử dụng ứng dụng Mill để lên lịch, Bưu điện Hoa Kỳ sẽ đến nhận hàng.
Tại trung tâm xử lý, bã thực phẩm được kiểm tra để xem xét có chất gây ô nhiễm hay không, sau đó được thanh trùng và biến thành thức ăn chăn nuôi.
Tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả sẽ vào khoảng 33 USD/tháng, khoản phí đã bao hàm tiền mua thùng rác, bao bì, dịch vụ vận chuyển và thay thế bộ lọc khi hết hạn. Rogers và Tannenbaum cho rằng có thể người mua không nghĩ gì đến khí hậu khi dùng dịch vụ này, nhưng họ vẫn thấy khoản chi phí bỏ ra là xứng đáng, bởi họ sẽ không phải đối mặt với lượng rác thải sinh hoạt ẩm ướt, hôi thối, thu hút sâu bọ.
Tuy nhiên, 400 USD/năm có vẻ vẫn là số tiền lớn để đổi lấy một căn bếp thơm tho hơn. Nhưng Mill cũng đang xem xét khả năng giảm bớt chi phí thông qua việc xin trợ cấp từ các sáng kiến về khí hậu của chính phủ. Dù vậy, công ty sẽ cần một thời gian dài để vận động hành lang. Nhiều quỹ đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng khởi nghiệp này, Mill hiện đã nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư mạo hiểm năng lượng đột phá của Bill Gates, Quỹ đầu tư mạo hiểm Prelude, Energy Impact Partners, GV (Google Ventures) và Lower Carbon Capital. Công ty không tiết lộ tổng số tiền huy động được cho đến nay.a
https://khoahocphattrien.vn/