Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 28-09-2023

Thiết bị đầu tiên trên thế giới theo dõi nội tạng cấy ghép trong thời gian thực

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ đã chế tạo thành công một thiết bị đã được thử nghiệm trên chuột với khả năng phát hiện các dấu hiệu cảnh báo đào thải mô cấy ở thận sớm hơn ba tuần so với các phương pháp hiện nay.

Mặc dù cơ thể có thể từ chối một bộ phận thậm chí nhiều năm sau khi cấy ghép, nhưng việc cho bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng nhiều thời gian can thiệp nhất có thể, sẽ tạo sự khác biệt giữa việc khôi phục cân bằng nội môi và bắt đầu lại quá trình cấy ghép lâu dài và gian khổ nếu cần thiết. Ở Hoa Kỳ, hiện nay, danh sách chờ ghép thận mới kéo dài từ 3 đến 5 năm. Vì vậy, việc liên tục theo dõi sức khỏe của quả thận mới quý giá sẽ thay đổi cuộc sống của bệnh nhân.

Thiết bị giám sát mới có kích thước chỉ 0,3 cm x 0,7 cm và dày 220 micron, được thiết kế để đặt trên quả thận, bên dưới lớp nang thận dạng sợi bao quanh và bảo vệ cơ quan này. Mô cấy mềm phát hiện những thay đổi nhiệt độ liên quan đến tình trạng viêm và các phản ứng khác thường gặp khi bị đào thải sớm. Nếu phát hiện thay đổi, cảnh báo sẽ được gửi theo phương thức không dây đến điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng gần đó.

Vì quá trình đào thải thường bắt đầu một cách âm thầm nên thiết bị này có thể giúp cảnh báo bệnh nhân về những thay đổi quan trọng mà không có triệu chứng rõ ràng. Nhờ vậy, thiết bị có thể mang lại sự an tâm cho những người đang sống dựa vào sự thành công của thận cấy ghép.

Hơn 250.000 người Mỹ đang sống nhờ thận cấy ghép và bản thân việc cấy ghép chỉ là một phần quan trọng nhưng nhỏ bé trong hành trình này. Hiện tại, sức khỏe của bộ phận này được theo dõi thông qua các xét nghiệm máu xác định nồng độ creatinine và nitơ urê trong máu, nhưng các xét nghiệm này có thể thay đổi vì những lý do không liên quan và dẫn đến kết quả âm tính và dương tính giả. Các xét nghiệm sinh thiết đòi hỏi phải chọc một cây kim dài để lấy mô từ thận, là thủ thuật xâm lấn và có nguy cơ cao gây chảy máu, nhiễm trùng, đau và tổn thương các mô xung quanh.

Khi tìm kiếm giải pháp thay thế, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern đã coi nhiệt độ là dấu hiệu sinh học quan trọng cho thấy sự đào thải mô cấy ghép ban đầu. Nhiệt độ tăng thường đi kèm với tình trạng viêm, đó là những gì mà các nhà khoa học đã thấy ở mô hình động vật. Nhiệt độ tăng 0,6°C là dấu hiệu cảnh báo chính xác về các trường hợp đào thải nội tạng sắp xảy ra. Mặc dù công nghệ mới vẫn cần được nghiên cứu chuyên sâu và thử nghiệm trên người, nhưng các nhà khoa học đang nỗ lực cải tiến thiết kế cho phép sạc lại pin đồng xu cung cấp năng lượng cho thiết bị. Nhờ đó, thiết bị có thể tồn tại suốt đời. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng thiết bị có khả năng thích ứng để theo dõi các bộ phận cấy ghép khác.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 13
Hôm nay: 501
Tổng lượt truy cập: 3.527.388
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!