Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 08-10-2024

Chữa khỏi chức năng tiểu đường type 1 bằng tế bào gốc

Một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1 đã được chữa khỏi chức năng* và không cần tiêm insulin trong hơn 1 năm. Phương pháp điều trị này liên quan đến việc nuôi cấy và cấy ghép các tế bào sản xuất insulin mới từ chính tế bào gốc của bệnh nhân. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Cell.

 

Bệnh tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của bệnh nhân tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Điều này khiến bệnh nhân không thể kiểm soát mức đường huyết và phải tiêm insulin thường xuyên. Hiện tại, kết quả ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I cho thấy, việc thay thế các tế bào sản xuất insulin bị mất bằng các tế bào mới có thể là một phương pháp điều trị khả thi.

Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân đầu tiên nhận được cấy ghép loại này đã không cần tiêm insulin trong hơn 1 năm. Bệnh nhân là một phụ nữ 25 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1 cách đây 11 năm. Từ đó đến nay, phải phụ thuộc vào điều trị bằng insulin và đã trải qua 2 ca ghép gan và 1 ca ghép tuyến tụy do tình trạng bệnh của mình. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã tách tế bào gốc từ mô mỡ của bệnh nhân và kích thích chúng quay trở lại trạng thái phát triển sớm hơn, từ đó có thể biệt hóa thành gần như bất kỳ loại tế bào nào. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các tế bào đảo tụy, nuôi cấy và cấy ghép vào các cơ bụng của người bệnh.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong suốt 1 năm sau khi cấy ghép. Lượng insulin hằng ngày bắt đầu giảm sau 2 tuần, và đến ngày thứ 75, người bệnh hoàn toàn không cần sử dụng insulin nữa. Trong suốt khoảng thời gian 1 năm, mức đường huyết duy trì ổn định trong hơn 98% thời gian và không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ việc cấy ghép.

Nhiều nghiên cứu khác đã được thực hiện cũng đã cho kết quả đầy hứa hẹn, nhưng thử nghiệm mới này có một số khác biệt quan trọng. Đầu tiên, tế bào gốc được kích thích bằng phương pháp hóa học thay vì phương pháp di truyền và được lấy từ một nguồn khác trong cơ thể bệnh nhân. Hơn nữa, các tế bào này được cấy vào cơ bụng thay vì gan như các nghiên cứu trước đó. Điều này cải thiện sự sống sót và trưởng thành của các tế bào, giúp việc theo dõi dễ dàng hơn và là một thủ thuật ít xâm lấn hơn cho bệnh nhân.

Có một khó khăn tiềm ẩn là hệ miễn dịch của bệnh nhân vẫn cần được ức chế, vì việc thay thế các tế bào bị hư hại không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh tự miễn này. Tuy nhiên, đây là điều thường thấy với các ca ghép nội tạng và mô. Thử nghiệm này đã cho thấy, phương pháp điều trị này có thể là một lựa chọn khả thi cho bệnh tiểu đường. Nhóm nghiên cứu chia sẻ, hiện tại, đã có thêm 2 người đăng ký tham gia thử nghiệm này.

*Chữa khỏi chức năng là tình trạng mà bệnh nhân không được chữa khỏi hoàn toàn (tức là không còn dấu vết của virus hoặc bệnh trong cơ thể), nhưng mức độ virus hoặc bệnh đã được kiểm soát đến mức không gây hại hoặc ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và người bệnh không còn cần phải sử dụng thuốc liên tục.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 24
Hôm nay: 183
Tổng lượt truy cập: 4.053.683
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!