Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 14-03-2022

Khơi dậy việc ứng dụng công nghệ thích hợp

Đối với các quốc gia đang phát triển, khả năng ứng dụng công nghệ mới – có nguồn gốc từ nước giàu – chắc chắn sẽ trở thành một lợi thế quan trọng. Tuy nhiên, công nghệ được phát triển ở những nền kinh tế tiên tiến, nơi có nhiều vốn và kỹ năng hơn, thực chất lại vừa là cơ hội lẫn thách thức cho nước nghèo.

Trong một cuộc thảo luận gần đây do Hiệp hội Kinh tế Quốc tế (IEA) tổ chức, giáo sư Frances Stewart từ Đại học Oxford đã dẫn chiếu câu chuyện thành công của Đông Á, điển hình là Hàn Quốc và Đài Loan (thập niên 1970, 1980) hay Trung Quốc sau này – tất cả đều thoát nghèo và tăng trưởng ngoạn mục nhờ mô hình công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu, khi các nhà máy thu hút rất nhiều lao động từ khu vực nông thôn và đạt được năng suất cao hơn. Nhưng kỳ tích này khó có thể được tái lập ở bất cứ đâu và ông lo ngại ngành sản xuất hiện nay sẽ không tạo ra đủ công ăn việc làm lẫn giúp các nước nghèo cải thiện mức sống.

Công nghệ sản xuất đang ngày càng thâm dụng nhiều kỹ năng, trong khi tỷ trọng đóng góp của lao động vào sự gia tăng giá trị lại bị sụt giảm bởi tự động hóa và những loại hình đổi mới khác. Theo Daron Acemoglu từ MIT, chính sự cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, sức mạnh quá lớn của các tập đoàn cùng chính sách trợ cấp (như miễn giảm thuế) cho lĩnh vực đầu tư thâm dụng vốn,... đã khuyến khích những sáng tạo đổi mới thay thế lao động. Đây không phải là tin vui đối với các nước đang phát triển, nơi có lợi thế so sánh nằm ở những hàng hóa thâm dụng lao động. Nhiều nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình hiện đang có dấu hiệu “giải công nghiệp hóa sớm” (premature de-industrialization)1 ngay cả khi chưa hoàn toàn được công nghiệp hóa. Ngoài ra, dữ liệu của Acemoglu còn cho thấy các công nghệ mới chủ yếu chỉ đang làm lợi cho những lao động trình độ cao – vốn khan hiếm ở các quốc gia thu nhập thấp, từ đó ngăn cản những nền kinh tế này hấp thu tri thức (know-how) tiên tiến. Và như nhà kinh tế Fabrizio Zilibotti từ Yale bình luận, điều này cũng gây nên sự căng thẳng giữa nhu cầu chuyển giao công nghệ với tính bình đẳng của thị trường lao động.

Một chủ đề nữa cũng gây rất nhiều tranh cãi là mức độ linh hoạt của các nhà sản xuất trong việc áp dụng những công nghệ phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương. Toàn cầu hóa và sự mở rộng của các chuỗi cung ứng xuyên biên giới có thể sẽ làm triệt tiêu nhiều phạm vi thích ứng do những công nghệ vật chất hữu hình (physical technology) mang đến. Như Eric Verhoogen từ ĐH. Columbia lập luận: các sản phẩm chất lượng cao thường đi kèm với những công nghệ thâm dụng nhiều vốn và kỹ năng hơn – rào cản đối với phần lớn doanh nghiệp ở các nước nghèo. Ông cũng cảnh báo: ngay cả khi vẫn có chỗ cho sự linh hoạt thì việc xa rời những chuẩn mực toàn cầu sẽ khiến các doanh nghiệp địa phương theo đuổi lộ trình công nghệ tụt hậu hơn. TS. Gustavo de Souza từ ĐH. Chicago đã làm rõ một số mặt trái của vấn đề thông qua những bằng chứng tại Brazil – chính sách đánh thuế đối với các hợp đồng cho thuê công nghệ [quốc tế] đã làm sụt giảm số lượng việc làm nói chung lẫn tỷ lệ lao động kỹ năng cao trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nói riêng ở nước này. Mặc dù là một quốc gia thu nhập trung bình cao (upper-middle-income) và có năng lực công nghệ tương đối khá nhưng Brazil vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay thế công nghệ tiên tiến nhập khẩu. Như vậy, một nhiệm vụ khá hứa hẹn nhưng không kém phần thách thức là cần định hướng lại hoạt động đổi mới toàn cầu theo hướng thân thiện hơn với lao động.

Một nghiên cứu gần đây do Jacob Moscona (Harvard) và Karthik Sastry (MIT) thực hiện đã phát hiện thấy những cải tiến về công nghệ sinh học trong nông nghiệp – do chỉ tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể (như mầm bệnh) ở địa phương nên thường ít được chuyển giao qua những vùng khí hậu khác. Acemoglu thì chỉ ra sự gia tăng đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu về năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ khi các chương trình chính phủ và áp lực xã hội kết hợp đã làm thay đổi những khuyến khích (incentives) đối với khu vực tư nhân. Hay việc khuyến khích phát triển các công nghệ quân sự mới luôn là một ưu tiên trong kho chính sách của nhiều chính phủ,... Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể thực hiện những nỗ lực tương tự để khuyến khích các đổi mới thân thiện hơn với lao động trên toàn cầu? Đó có thể là những robot cùng làm việc thay vì hoàn toàn thay thế con người trong dây chuyền sản xuất, hay các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giáo viên, y tá,.. thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi nhiều kỹ năng và chuyên sâu hơn,...

Sẽ hơi quá đáng nếu chúng ta yêu cầu chính phủ ở các quốc gia công nghệ tiên tiến hình dung lại cách tiếp cận đổi mới của họ và lưu tâm hơn đến lợi ích của những nước nghèo. Nhưng trong lúc theo đuổi tư lợi (self-interest), tất cả nên cùng nhìn về một hướng bởi chính bản thân các nước phát triển cũng phải hứng chịu những ảnh hưởng do tình trạng an ninh kinh tế bất ổn, thị trường lao động phân cực, công ăn việc làm suy giảm cùng nhiều vấn nạn chính trị xã hội đi kèm,... Sau cùng, vòng cung công nghệ (the arc of technology) cần được uốn theo nhu cầu xã hội thay vì mong chờ xã hội điều chỉnh thích ứng với nhu cầu của công nghệ (technology’s demand).

Chú thích:
1. Giải công nghiệp hóa sớm (premature de-industrialization) là hiện tượng thu hẹp hay sụt giảm số lượng công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo tại các quốc gia đang phát triển công nghiệp hóa, trước khi người dân ở những nước này kịp trở nên giàu có. Tại Việt Nam, GS. Trần Văn Thọ đã từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ này song chưa được các nhà làm chính sách quan tâm đúng mực.

(*) Tác giả Dani Rodrik là giáo sư kinh tế chính trị tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Quốc tế (IEA), tác giả cuốn Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy (Tạm dịch: Trao đổi thẳng thắn về thương mại: Những ý tưởng cho một nền kinh tế thế giới lành mạnh, NXB ĐH Princeton, 2017).

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 5901
Tổng lượt truy cập: 4.019.430
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!