Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 21-07-2023

Huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Nguồn lực tài chính đầu tư cho (KH&CN) ngày càng tăng kết hợp từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn ngoài ngân sách. Trong giai đoạn 2011-2018, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN đạt mức 2% tổng chi NSNN (tương đương 0,5% GDP), trong đó, kinh phí sự nghiệp KH&CN chiếm 56%, kinh phí đầu tư phát triển chiếm 44%, về cơ bản đảm bảo được quy định của Luật KHCN, các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu không tính phần dành cho an ninh, quốc phòng và ưu đãi từ thuế thì chi cho KH&CN chỉ đạt từ 1,36% đến 1,52% tổng chi NSNN. Kinh phí từ Quỹ ngoài NSNN cho hoạt động KH&CN chủ yếu được trích lập, thu hút và chi từ các nguồn: trích lập quỹ KH&CN của doanh nghiệp; kinh phí đối ứng thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia; kinh phí từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vay nước ngoài. Trong khi đó, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ từ các quỹ phát triển KH&CN quốc gia và quỹ đổi mới quốc gia.

Nhìn chung, mặc dù nhu cầu chi cho phát triển KH&CN rất lớn, nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn phụ thuộc nhiều vào NSNN. Trong khi đó, NSNN cùng với huy động các nguồn lực xã hội cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhất định. Nguồn lực tài chính từ cả khu vực nhà nước và tư nhân cho phát triển KH&CN của Việt Nam hiện chỉ khoảng 0,5% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,33% GDP và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực (Trung Quốc 2,1% GDP; Thái Lan 0,78% GDP; Malaixia 1,3% GDP; Singapo 2,2% GDP). Từ thực tế nêu trên, TS. Lê Thị Thùy Vân cùng nhóm nghiên cứu tại Viện chiến lược và chính sách tài chính đã thực hiện đề tài: “Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài đánh giá thực trạng huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ, nhận diện những hạn chế còn tồn tại, từ đó đề xuất những giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển KH&CN tại Việt Nam.

Dưới đây là một số kết quả đạt được cụ thể của đề tài nghiên cứu:

- Đề tài đã làm rõ các vấn đề cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn các nước về huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển KH&CN. Kinh nghiệm các quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN) đều cho thấy sự thay đổi của chính sách huy động và sử dụng nguồn lực tài chính theo từng giai đoạn phát triển năng lực KH&CN quốc gia và chiến lược KH&CN của quốc gia theo từng thời kỳ. Việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho KH&CN phải trên nền tảng có sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư. Các giải pháp mà các quốc gia đã áp dụng để tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư cho phát triển KH&CN là thực hiện các sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa ngành công nghiệp và giới học thuật mà các tổ chức nhà nước là trung gian, thành lập các quỹ đầu tư vào KH&CN với sự tham gia đầu tư của cả nhà nước và tư nhân, thành lập các khu công nghệ cao, vườn ươm với sự đầu tư từ nhà nước và các chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút doanh nghiệp vào hoạt động, đầu tư vào KH&CN hoặc trọng tâm vào việc hỗ trợ liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện, trường cho các doanh nghiệp và đây được coi là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KH&CN, nhằm nâng cao trình độ KH&CN quốc gia.

- Đánh giá thực trạng huy động và sử dụng các nguồn lực NSNN và nguồn lực ngoài NSNN cho KH&CN ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đã có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ như hiện nay; tỷ lệ chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, trong khi đó tỷ lệ chi sự nghiệp KH&CN có xu hướng tăng. Việc huy động và sử dụng các quỹ KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, đối với Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, nguồn thu chủ yếu vấn là từ NSNN, cơ chế hoạt động của Quỹ chưa linh hoạt; và cơ chế quản lý còn mang nặng tính hành chính, thủ tục hành chính còn rườm rà. Đối với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, điều lệ, mô hình tổ chức chưa phù hợp với các văn bản hiện hành; nguồn thu của Quỹ chủ yếu từ NSNN; hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; khó khăn trong việc chuyển mô hình hoạt động phù hợp trong khi tiềm lực tài chính, nhân lực, KH&CN của các doanh nghiệp còn hạn chế. Đối với Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN còn hạn chế, tỷ lệ sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp khá thấp, quá trình triển khai các chính sách liên quan đến Quỹ phát triển KH&CN còn một số tồn tại, khiến doanh nghiệp không thành lập Quỹ, hoặc không sử dụng Quỹ.

- Trên cơ sở bài học kinh nghiệm các nước và thực tiễn của Việt Nam, đề tài đã kiến nghị 4 nhóm giải pháp nhằm huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển KH&CN. Trong đó, đối với nguồn lực NSNN, cần có định hướng ưu tiên trong phân bổ NSNN cho phát triển KH&CN, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn sắp tới (2021-2030); ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng, phục vụ nâng cao năng suất chất lượng, tăng hiệu quả và cạnh tranh; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách liên quan huy động và sử dụng nguồn lực từ NSNN để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, góp phần phát triển KH&CN. Đối với các quỹ ngoài NSNN, việc xây dựng, phát triển các Quỹ là chủ trương đúng và phù hợp của Nhà nước nhằm phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, đẩy nhanh việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian tới, để các Quỹ hoạt động có hiệu quả cần tập trung vào việc sửa đổi quy chế hoạt động theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật, tạo sự chủ động, thông thoáng trong triển khai, thực hiện, đồng thời tác bách rõ nhiệm vụ chi của Quỹ KH&CN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với các khoản mục chi cho KH&CN của NSNN. Đồng thời, chú trong tạo sự chủ động cho các Quỹ về góc độ tài chính, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Đề tài “Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam” nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18652/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 2653
Tổng lượt truy cập: 2.904.768
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.