Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 17-06-2024

Gỡ rào cản để thị trường khoa học và công nghệ phát triển

Thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển thị trường KHCN. Tuy nhiên, thị trường KHCN Việt Nam hiện còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, cần có những giải pháp tháo gỡ để phát triển.

Thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển như kỳ vọng

Bộ KHCN cho biết, đến nay, thị trường KHCN dần hình thành, phát triển; thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa KHCN ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu khoa học dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển. Thống kê cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó có 21 sàn giao dịch KHCN và đạt giá trị giao dịch hàng hóa tăng bình quân 20,9%/năm.

 Tham quan sản phẩm công nghệ trưng bày tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, về tổng thể, thị trường KHCN nước ta chưa phát triển như kỳ vọng bởi còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc như hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung-cầu công nghệ. Trong khi đó, nguồn cung công nghệ của nước ta còn phụ thuộc chủ yếu từ nước ngoài.

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam lý giải, thị trường KHCN của Việt Nam còn chậm phát triển là do nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng. Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu. Các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia, kết nối với thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

Để thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, theo ông Hoàng Đức Thảo, các viện, trường cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo nhu cầu, đơn đặt hàng của doanh nghiệp để tăng cung, kích cầu hàng hóa KHCN; thúc đẩy thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động tổ chức, tham gia các sự kiện xúc tiến thị trường KHCN, sàn giao dịch công nghệ, điểm kết nối cung-cầu công nghệ; tham gia và trở thành thành viên của các hiệp hội tư vấn xúc tiến thị trường KHCN của khu vực cũng như quốc tế.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) cho rằng, việc phát triển thị trường KHCN luôn đòi hỏi có sự đồng bộ của các chủ thể và thành tố tham gia. Đối với thị trường KHCN, không chỉ cần đồng bộ giữa cung và cầu mà còn đòi hỏi sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung. Trên hết, để phát triển được thị trường KHCN cần có sự đồng bộ về thể chế, chính sách. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN.

Các chuyên gia đề xuất thúc đẩy triển khai việc thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường KHCN tại Việt Nam. Xây dựng quy định pháp lý về sàn giao dịch công nghệ, bảo đảm thị trường KHCN hoạt động công khai, minh bạch. Hỗ trợ hình thành và phát triển sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Xây dựng và đưa vào vận hành cổng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường KHCN; phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước và kết nối với mạng lưới các tổ chức trung gian nước ngoài. Đề xuất những quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN. 

Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành các chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Xây dựng phương án thúc đẩy doanh nghiệp thành lập và sử dụng quỹ phát triển KHCN trong hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ. Có các cơ chế, chính sách liên thông thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường lao động.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 807
Tổng lượt truy cập: 3.950.826
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!