Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 09-08-2024

Bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa. Bài viết điểm lại những phương thức bảo tồn di sản văn hóa chính và các vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

 

Về bảo tồn DSVH, hiện nay trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại có hai luồng quan điểm chính là: bảo tồn nguyên vẹn  bảo tồn trên cơ sở kế thừa. Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn được khá nhiều học giả ủng hộ, họ cho rằng những sản phẩm của quá khứ nên được bảo vệ một cách nguyên vẹn như nó vốn có, cố gắng phục hồi nguyên gốc các DSVH vật thể và phi vật thể cũng như cố gắng cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa là xu hướng chính được các học giả quốc tế và trong nước quan tâm nhất hiện nay. Alfrey, Putnam, Ashworth, P.J. Larkham xem di sản như một ngành công nghiệp và cần phải có cách thức quản lý di sản tương tự với cách thức quản lý của một ngành công nghiệp văn hóa với những logic quản lý đặc biệt, phù hợp với tính đặc thù của các di sản. Corner và Harvey đặt vấn đề quản lý di sản dưới cách tiếp cận toàn cầu hóa. Moore và Caulton quan tâm tới việc lưu giữ DSVH thông qua cách tiếp cận và phương tiện kỹ thuật mới...

Ở Việt Nam, quan điểm về bảo tồn văn hóa đã được xây dựng trên cơ sở 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam được xác định trong Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, bảo tồn và phát huy DSVH dân tộc là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành với mục tiêu cao nhất là nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, bên cạnh đó là các quan điểm chỉ đạo đối với việc bảo tồn, phát huy DSVH trong phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy DSVH với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy DSVH với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Việt Nam là một đất nước có kho tàng DSVH lớn với gần 40 ngàn di sản vật thể, 60 ngàn di sản phi vật thể, trong số đó UNESCO công nhận 8 DSVH và thiên nhiên thế giới, 7 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 di sản tư liệu, gần 3.000 di tích được xếp hạng quốc gia, 7.500 di tích cấp tỉnh cùng gần 8.000 lễ hội, trong đó hơn 3.000 lễ hội dân gian thể hiện rõ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (Theo: Lâm Thị Mỹ Dung và các cộng sự, 2018: 16-17). Do đó, khai thác và bảo tồn giá trị di sản của dân tộc là mảng đề tài được không ít các học giả quan tâm công bố nhiều công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học. Từ nhiều khía cạnh với đa dạng góc độ tiếp cận, các nghiên cứu đã chỉ ra những phương thức bảo tồn DSVH chính cũng như một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn DSVH ở Việt Nam hiện nay.

Một số phương thức bảo tồn DSVH của Việt Nam

Thứ nhất, làm tốt việc bảo tồn di sản nhưng chưa khai thác được lợi thế kinh tế: Thứ hai, khai thác tốt trên khía cạnh giá trị kinh tế nhưng bảo tồn di sản kém; Thứ ba, đảm bảo hài hòa, cân đối giữa bảo tồn DSVH và khai thác phát triển kinh tế - xã hội: Khai thác và bảo tồn theo hướng này hay còn gọi là “bảo tồn thích ứng” là một trong những xu hướng mới được khuyến khích hiện nay vì đảm bảo được “mục tiêu kép” là bảo tồn di sản, đồng thời khai thác tốt giá trị kinh tế của di sản; Thứ tư, khai thác di sản gắn với phát triển du lịch; Thứ năm, bảo tồn DSVH gắn với nâng cao nhận thức người dân và toàn xã hội về bảo tồn DSVH;Cuối cùng, xã hội hóa về bảo tồn DSVH.

Một số vấn đề đặt ra trong bảo tồn DSVH của Việt Nam

Hệ thống văn bản pháp luật về DSVH còn thiếu đồng bộ, vì vậy chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; Chưa tạo được hành lang pháp lý mở rộng và các cơ chế mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động của quản lý nhà nước về DSVH; Nhiều quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về DSVH, quy định về bảo vệ, phát huy giá trị di sản chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong hệ thống những quy định về DSVH phi vật thể… (Đặng Văn Bài, 2022). Chẳng hạn, trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo DSVH vật thể, một số quy định pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo với pháp luật về DSVH. Thậm chí tiêu chí xác định các DSVH phi vật thể được quy định trong luật chưa được thống nhất, quy định chưa cụ thể (Nguyễn Hồ Phong, 2014: 78).

Hoạt động quản lý bảo tồn DSVH và khai thác DSVH chưa đạt hiệu quả cao. Tại nhiều nơi, tình trạng xâm lấn di sản, lấy trộm cổ vật, vấn đề tiền công đức ở các cơ sở thừa tự, hiện tượng mê tín dị đoan ở các DSVH tâm linh như đình, chùa… xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt, khai thác di sản phục vụ du lịch còn tồn tại nhiều vấn đề như: thiếu bảo tồn di sản khi khai thác do nhận thức và đặt các mục tiêu kinh tế cao hơn mục tiêu bảo vệ di tích; công tác quản lý di tích chưa hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm, thiếu chính sách, chế tài khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thiếu đồng bộ cho việc đầu tư trùng tu di tích, công tác quảng bá giới thiệu di sản chưa hiệu quả; công tác giáo dục, tuyên truyền, đào tạo cán bộ khai thác hoạt động du lịch chưa được coi trọng (Phan Thị Phương Thảo và các cộng sự, 2022: 77).

Nhận thức về mối quan hệ giữa bảo tồn DSVH và khai thác phát triển kinh tế - xã hội thực sự chưa sâu sắc và toàn diện, chưa thực sự đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu, đó là khai thác giá trị di sản vào mục đích kinh tế nhưng đồng thời phải bảo tồn di sản, không được khai thác triệt để, cạn kiệt di sản. Nhiều di sản bị xâm hại trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; khai thác quá mức nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền vững về mặt môi trường và xã hội; hay hiểu sai về vai trò của cộng đồng trong thực tiễn bảo vệ di sản, đặc biệt là đối với DSVH phi vật thể.

Giải pháp bảo tồn di sản văn hóa

Để làm tốt công tác bảo tồn DSVH cũng như giải quyết được những vấn đề còn hạn chế trong bảo tồn DSVH ở Việt Nam hiện nay, nghiên cứu của các tác giả Trịnh Thị Thủy (2021), Hoàng Thùy Linh và Ngô Thị Kim Liên (2020), Phan Thị Diễm Hương (2021), Đức Hoàng (2022), Nguyễn Thị Phương Châm và Hoàng Cầm (2022) chỉ ra:

Thứ nhất, tiếp tục gắn khai thác bảo tồn DSVH với phát triển kinh tế, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch khi mà nhiều sản phẩm du lịch di sản đang trở thành thương hiệu cho du lịch Việt Nam, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến cũng như sản phẩm du lịch của Việt Nam, thúc đẩy kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của Nhà nước và địa phương trong việc quản lý và khai thác DSVH; tiếp tục hoàn thiện xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực này. Đặc biệt chủ động, sáng tạo trong khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa và DSVH, xác định quyền và trách nhiệm của mỗi bên để tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn di sản và khai thác di sản.

Thứ ba, tăng cường biện pháp bảo vệ di sản: Cần tăng cường năng lực tổ chức, quản lý nhà nước đối với di sản, xã hội hóa công tác bảo vệ thông qua phát huy vai trò của cộng đồng địa phương; xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình bảo vệ, khai thác giá trị di sản.

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn di sản bằng các biện pháp như nâng cao nhận thức của tập thể và cá nhân về giá trị của di sản, giáo dục ý thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng về việc bảo vệ di sản. Đối với việc quảng bá di sản ra bên ngoài, cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi trình diễn DSVH dân tộc, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình quảng bá di sản, tham gia hội chợ quốc tế về du lịch để quảng bá di sản - du lịch.

Thứ năm, đầu tư cho cơ sở vật chất bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đầu tư cho việc nghiên cứu, khảo sát về di sản,... Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn vốn để bảo tồn di sản; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn đầu tư đó,... Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để quản lý di sản. Để làm được điều này, không nên chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà còn có thể xã hội hóa, đa dạng mọi nguồn vốn đầu tư.

Thứ sáu, tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của DSVH. DSVH của Việt Nam luôn có sự đa dạng theo sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng các biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho các DSVH. Vì vậy, cần tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị và tính đa dạng của DSVH.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 4156
Tổng lượt truy cập: 3.948.079
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!