Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 01-10-2024

Vaccine - bước tiến quan trọng hướng tới loại trừ sốt xuất huyết ở Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, sốt xuất huyết đang ngày càng trở nên nguy hiểm, khó lường. Việc phê duyệt vaccine phòng là bước tiến quan trọng loại trừ sốt xuất huyết ở Việt Nam.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết là bệnh dịch lưu hành ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, Châu Á, nơi có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Tại Việt Nam, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với hàng trăm nghìn ca mắc và hàng trăm ca tử vong mỗi năm. Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 43 ca tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn lây truyền, phát triển ở nhiệt độ nóng khoảng 25 độ C trở lên và sinh sản ở nước trong như mảnh phế thải, chai lọ khi có nước mưa, chum vại, bể chứa nước, thậm chí ở các lư hương… Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết không đậu ở trong trường, trong nhà nên việc xử lý rất khó.

Sốt xuất huyết thường mang tính chu kỳ 4 – 5 năm/lần. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sốt xuất huyết đã không còn tính chu kỳ như trước mà xảy ra quanh năm và rải rác tại tất cả các địa phương trên cả nước. Sốt xuất huyết đang là vấn đề y tế của cộng động, không chỉ là gánh nặng về sức khỏe, mà còn là vấn đề kinh tế, an sinh xã hội đối với người dân và đối với cả nước.

Việt Nam đã có vaccine phòng chống sốt xuất huyết là một bước quan trọng trong công tác phòng chống bệnh. Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều khu vực với những biến động khó lường. Đặc biệt, thời điểm mưa nhiều trên cả nước, tình hình bệnh sốt xuất huyết càng trở nên báo động các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao nếu không có những biện pháp phòng ngừa quyết liệt.

Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá sốt xuất huyết là dịch bệnh để lại mối đe dọa hàng đầu. Do đó, cần bổ sung các biện pháp phòng tránh chủ động hơn. Trước đây, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt…Tuy nhiên được biết Việt Nam đã phê duyệt vaccine phòng sốt xuất huyết cùng với 39 quốc gia khác ở vùng lưu hành cao và lưu hành thấp của bệnh trên thế giới. Chúng ta giờ đây đã có vaccine phòng chống sốt xuất huyết và tiến thêm một bước quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ về vaccine phòng sốt xuất huyết, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Vaccine có hiệu quả bảo vệ khá cao, là biện pháp phòng bệnh chủ động, đặc hiệu cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng sốt xuất huyết an toàn, dùng được cho đối tượng là trẻ em. Với vaccine sốt xuất huyết, tôi nghĩ rằng đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, người dân cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để nếu có cơ hội, điều kiện thì sử dụng vaccine, là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới".

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin thêm, việc cấp phép sử dụng Vaccine sốt xuất huyết thuộc trong chủ trương của Bộ Y tế, hội đồng cấp phép cũng đã xem xét đánh giá về độ an toàn và tính hiệu quả trước khi được vào sử dụng tại Việt Nam. Việc cấp phép tại Việt Nam là một tin đáng mừng cho người dân.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Việc sử dụng vaccine sốt xuất huyết sẽ giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn, giảm tình trạng quá tải do nhập viện và chi phí chăm sóc sau điều trị. Người dân không cần phải ra nước ngoài để tiêm mà được thụ hưởng ngay ở trong nước.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết thì các biện pháp phòng chống thụ động chưa phát huy hết hiệu quả. Biện pháp phòng ngừa chủ động như tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết phát huy được hiệu quả bởi chính người tiêm vaccine có miễn dịch thì không mắc bệnh, không mắc bệnh thì không lây cho người khác, từ đó góp phần giảm số ca mắc sốt xuất huyết".

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 31
Hôm nay: 5353
Tổng lượt truy cập: 3.584.949
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!