Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 22-03-2022

Hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương chưa đồng đều

Ngày 17/3 Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, “Trong năm 2021, mặc dù cả nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.”

Cụ thể, ở cấp trung ương, công tác xử lí đơn - một trong những hoạt động chính của Cục SHTT - tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, như ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN), cho biết: "Số lượng đơn các loại mà Cục SHTT nhận được vẫn tăng hơn 4,6% so với năm 2020 (tổng số là hơn 131 nghìn đơn, trong đó hơn 75 nghìn đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp). Chúng tôi đã xử lý được hơn 121 nghìn đơn, trong đó có hơn 74 nghìn đơn đăng kí xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Có thể thấy, số đơn xử lý gần bằng số lượng đơn nhận được. Đây là một bước tiến để chúng tôi giảm dần tình trạng tồn đọng đơn.”

Ngoài ra, trong năm 2021, Cục SHTT cũng hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ lớn như dự án sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, tổ chức triển khai chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030,...

Ở địa phương, nhiều Sở KH&CN đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động xác lập và thực thi quyền SHTT. “Các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp," ông Nguyễn Văn Bảy nói và nhấn mạnh, "Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động này có xu hướng giảm mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có hơn 1.000 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt hơn 13 tỷ đồng, giảm 55% về số vụ và 38% tổng số tiền phạt.”

Dù đạt được nhiều thành tích song nhìn chung, “kết quả hoạt động SHTT ở các địa phương vẫn không đồng đều. Nhiều địa phương, nhất là ở những nơi mà hoạt động thị trường còn kém sôi động, hoạt động SHTT còn đơn giản, vai trò quản lý nhà nước mờ nhạt, bị động, vẫn còn tình trạng trông chờ hoặc giẫm chân lên nhau giữa các cơ quan quản lý liên quan. Năng lực, kiến thức chuyên môn về SHTT của các cơ quan thực thi quyền SHTT ở các địa phương còn bất cập, tình trạng lúng túng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trông chờ, lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn ở trung ương còn phổ biến”, theo đánh giá trong báo cáo tổng quan do ông Bảy trình bày.

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu nguồn lực, bao gồm nhân lực, là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hoạt động SHTT. “Hiện nay, cả nước có 142 cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại các Sở KH&CN, trong đó có 38 cán bộ chuyên trách và 104 cán bộ kiêm nhiệm, giảm 14% so với năm 2020. Đây là tín hiệu đáng báo động về việc thiếu hụt nhân sự nói chung cũng như số lượng cán bộ chuyên trách về sở hữu công nghiệp nói riêng ở hầu hết các địa phương”, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết. “Đây cũng là một trong những nhóm nhiệm vụ mà chúng tôi cần đề xuất đẩy mạnh trong thời gian tới để đảm bảo hoạt động SHTT của các địa phương đồng đều và phát triển hơn nữa.”

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 86
Hôm nay: 2196
Tổng lượt truy cập: 4.060.961
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!