Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 11-01-2024

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường

Ngày 26 tháng 12 năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1265/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00132 cho bưởi đường La Tinh Hoài Đức. Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bưởi đường La Tinh Hoài Đức là giống bưởi địa phương được trồng từ lâu đời tại thôn La Tinh (xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) nơi đây có sông Đáy chảy qua, đất đai màu mỡ, dễ canh tác và tiêu thoát nước khi mưa úng, rất phù hợp cho nhiều loại cây trồng. Theo một số người cao tuổi trong thôn La Tinh kể lại, giống bưởi này hiện tại được nhân  từ một cây bưởi của cụ Bá Diệu vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi. Giống bưởi quý này đã gắn bó với người dân nơi đây và trở thành cây đặc sản của địa phương.

Bưởi La Tinh Hoài Đức có vị ngọt đậm, độ Brix ≥ 11,40%; hàm lượng đường tổng số ≥ 9,90 %.

 

Ảnh: Bưởi La Tinh Hoài Đức

Vị ngọt đậm, hàm lượng đường và độ Brix cao của bưởi La Tinh Hoài Đức có được là nhờ các tính chất đặc thù về điều kiện địa lý của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình thuộc các chân đất vàn cao và cao, có độ cao trung bình từ 7 – 15 m so với mực nước biển, hướng dốc từ đê ra sông. Thổ nhưỡng tại khu vực địa lý là đất phù sa trung tính, thành phần cơ giới thịt pha sét và cát đến thịt pha sét. Đất có hàm lượng các bon hữu cơ trung bình đến cao, trung bình 1,63%; kali dễ tiêu giàu, trung bình 39,88 mg K2O/100g đất; hàm lượng nguyên tố vi lượng Zn giàu, trung bình 109,07 mg/kg.

Các bí quyết của người dân trong khu vực địa lý trong việc chăm sóc và gìn giữ giống bưởi quý này cũng là những yếu tố góp phần tạo nên đặc trưng của sản phẩm bưởi La Tinh Hoài Đức.

Giống bưởi quý La Tinh Hoài Đức là giống bưởi đường được nhân giống tại khu vực địa lý.

Người dân tại khu vực địa lý sử dụng phân bón hữu cơ, cụ thể là vào thời kỳ cây chưa mang quả, sử dụng phân gà ủ, cá ủ, đậu tương ủ để bón cho cây với lượng 1 - 1,5 kg/gốc/vụ một lần duy nhất vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2. Vào thời kỳ cây mang quả, bón phân hữu cơ ủ từ 15 - 20 kg/gốc/vụ kết hợp bón thêm phân gà ủ, cá ủ, đậu tương ủ (2 - 3 kg/gốc/vụ) duy nhất một lần vào thời điểm sau khi thu hoạch (tháng 1).

Khu vực địa lý thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội (được xác định theo bản đồ khu vực địa lý tương ứng).

https://ipvietnam.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 1569
Tổng lượt truy cập: 4.055.221
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!