Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 16-04-2024

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương

Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021- 2025 (ban hành theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/08/2022 - sản phẩm OCOP.

Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn

Các sản phẩm OCOP 4 sao.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung vào việc đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản của mình. Nhờ đó, thương hiệu của các sản phẩm OCOP được duy trì, phát triển, đồng thời tiếp cận gần với người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

TS Đào Đức Huấn - Trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình OCOP đã được triển khai rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố của trên cả nước. Chương trình đã khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn.

Thông tin từ Cục SHTT cho biết, tính đến tháng 12/2023, có 137 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 124 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12/2022). Trong đó 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 1,2% sản phẩm 5 sao.

Thống kê cũng cho thấy, có 5.724 chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, thống kê từ 27 địa phương có công văn gửi Cục SHTT cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao đã gửi đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT, trong đó 62% sản phẩm đã được bảo hộ.

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP

Mặc dù đạt được nhữngkết quả nhất định, nhưng theo ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT, hiện Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%... Quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu là địa danh và khu vực địa lý cấp huyện, xã, chiếm khoảng 65% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Các mặt hàng sản phẩm OCOP của Bình Định.

Ông Đào Đức Huấn cho rằng, một trong những khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP là việc bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm OCOP. Hiện nay, nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về SHTT vẫn còn hạn chế; thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm; việc lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển SHTT còn chưa được quan tâm đẩy mạnh. Ngoài ra, các cán bộ quản lý tham gia hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến dễ dàng trong chứng nhận các sản phẩm OCOP 4 sao...

Ông Lê Huy Anh cho biết thêm, thời gian qua Cục SHTT đã rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý các đơn đề nghị bảo hộ quyền SHTT. Năm 2023, khối lượng xử lý đơn đã tăng lên hơn 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và kết quả đầu ra, điều này đã dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý. Trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ có những ưu tiên, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc đăng ký nhãn hiệu, đẩy nhanh hơn nữa thời gian thẩm định hồ sơ; hỗ trợ các chủ thể OCOP (quốc gia, tiêu biểu) đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài...

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam cho các chủ thể OCOP và tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại một số thị trường trọng điểm; tăng cường tập huấn, hướng dẫn về SHTT cho các chủ thể OCOP tại địa phương...

Giải pháp trước mắt được ông Lê Huy Anh đưa ra đó là tạo “luồng xanh” cho các đơn liên quan đến sản phẩm OCOP cũng như một số nhu cầu cấp bách khác của địa phương; các địa phương có yêu cầu liên quan đến OCOP thì gửi trực tiếp đến Cục SHTT.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 45
Hôm nay: 1055
Tổng lượt truy cập: 4.054.305
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!