Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Hôm nay 2/8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức
Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận 283 triệu ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên trên 581 triệu ca với 6,4 triệu ca tử vong. Nhiều biến chủng liên tiếp xuất hiện làm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết (SXH), đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%).
Đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc, có 9,9 triệu người khỏi bệnh và hơn 43 nghìn ca tử vong (chiếm 0,4%). Từ cuối tháng 3/2022, dịch bệnh có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Về bệnh SXH, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc, có 45 trường hợp tử vong.
Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác vẫn đang được ngành y tế chủ động theo dõi, bám sát tình hình và ban hành các hướng dẫn chuyên môn để khuyến cáo phòng, chống…
Về tiêm chủng vắc xin COVID-19 đến nay tổng số mũi tiêm chủng trên toàn quốc là 246.136.754 mũi, trong đó trẻ em 5 - 11 tuổi là 12.228.689 mũi; từ 12 - 17 tuổi là 20.730.405 mũi; người trên 18 tuổi là 213.177.660 mũi.
Dù đã có sự nỗ lực rất lớn của ngành y, của các cấp chính quyền song tỉ lệ tiêm chủng nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu; tiêm nhắc lại mũi 3 cho người 12 - 17 tuổi chưa đạt; tiến độ triển khai liều tiêm cơ bản cho trẻ từ 5 - 11 tuổi từ tháng 4/2022 đến nay còn chậm.
Trước tình hình tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 còn chậm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động.
Quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”, với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; nhất là tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng; không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí… Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị cho nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh mãn tính, trẻ em.
Song song đó, tăng cường vận động, hướng dẫn người dân tuân thủ, thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH tại khu dân cư, nhà ở; phòng chống bệnh chân tay miệng và các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác, tránh làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch…
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra, nhất là tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng - Ảnh: ĐV
Tại Quảng Trị, trong tháng 7/2022 ghi nhận 712 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Tỉ lệ tiêm chủng tính đến hết ngày 31/7/2022 có 98,53% người từ 18 tuổi trở lên, 96,93% người từ 12 - dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi cơ bản. Tuy nhiên tỉ lệ mũi tiêm cho đối tượng từ 5 - 12 tuổi còn thấp, cần sự tuyên truyền vận động tốt hơn.
Tại hội nghị trực tuyến, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID- 19 tỉnh Quảng Trị đã thảo luận những nguyên nhân và biện pháp để tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ và nhóm từ 5 - 12 tuổi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Tình hình COVID- 19 cùng các loại bệnh khác đang có diễn biến phức tạp. Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc tiêm chủng vắc xin COVID- 19 cần phải đẩy mạnh hơn nữa, yêu cầu Sở Y tế cần có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ việc tổ chức tiêm chủng, đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ cao, có nguy cơ lây nhiễm...
Tổ chức hướng dẫn, phân luồng để đảm bảo sử dụng hiệu quả vắc xin, không để vắc xin quá hạn, tránh lãng phí, góp phần nâng cao tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng. Việc thống kê số ca mắc cần được thực hiện chính xác, cụ thể hơn để theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh.
Cùng với việc tiêm chủng, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh. Sở Y tế cần phối hợp với Đài PTTH tỉnh có các chương trình truyền thông trên các kênh sóng, đồng thời tiếp tục tích cực truyền thông trên mạng xã hội để giúp người dân chủ động phòng ngừa COVID-19, SXH, bệnh tay chân miệng, đậu mùa khỉ, qua đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
http://baoquangtri.vn/