Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tích hợp với từ trường cường độ cao kích thích phát triển rễ để nhân giống vô tính cây hồng ăn quả đặc sản
Đối với cây hồng ăn quả (Diospyros Kaki T) thuộc nhóm cây thân gỗ khó ra rễ, đặc biệt một số giống hồng đặc sản không hạt khiến cho việc nhân giống bằng phương pháp gieo hạt là không thực hiện được. Do đó, phần lớn giống hồng hiện nay được tạo ra thông qua phương pháp ghép cành, ghép mầm. Tuy nhiên cây ghép có hiện tượng cho năng suất thấp, quả bé, giống bị thoái hoá, khó mang được những đặc tính quý di truyền của cây mẹ... do đó không đáp ứng được yêu cầu sản xuất cây ăn quả đặc sản trong nền kinh tế thị trường.
Vì thế, nhóm nghiên cứu tại tại Trung tâm Ứng dụng Vật lý y sinh và kỹ thuật môi trường do ThS. Trịnh Ngọc Diệu dẫn đầu, đã sử dụng công nghệ từ trường nhân tạo cường độ phù hợp nhằm kích thích các hormone vi lượng nội ngoại sinh và các nguyên tố vi lượng của cành chiết, cành giâm, rễ giâm, để tăng cường tạo hoạt tính sinh học cao cho chúng, nhằm đảm bảo diễn ra quá trình hấp thụ, điều hòa sinh trưởng có khả năng dẫn truyền, kích thích tạo sơ khởi rễ và phát triển rễ cho hiệu quả cao để nhân giống cây hồng ăn quả đặc sản không hạt. Đó là kết quả của đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tích hợp với từ trường cường độ cao kích thích phát triển rễ để nhân giống vô tính cây hồng ăn quả đặc sản” được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau:
+ Xác định môi trường kích thích tạo rễ phù hợp làm cơ sở cho việc triển khai ứng dụng nhân giống;
+ Xác định hoạt tính sinh học chất kích thích tạo rễ trước và sau khi được hoát hóa bằng từ trường, làm cơ sở cho việc triển khai ứng dụng nhân giống;
+ Xác định và áp dụng biện pháp kỹ thuật từ trường để kích thích hoạt tính sinh học hormone nội ngoại sinh, nâng cao khả năng tạo rễ bằng phương pháp chiết, giâm cành, giâm rễ trong nhân giống hồng ăn quả;
+ Xác định và áp dụng biện pháp kỹ thuật từ trường để kích thích hoạt tính sinh học các chất điều hòa sinh trưởng, nâng cao hiệu suất tỷ lệ sống cao cây hồng giống trong giai đoạn vườn ươm;
+ Có được quy trình kỹ thuật - công nghệ tích hợp sử dụng từ trường năng lượng cao ứng dụng trong nhân giống đại trà hồng ăn quả đặc sản.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Đã tiến hành khảo sát xác định hoạt tính sinh học của một số chất kích thích tạo rễ được hoạt hóa bằng từ trường, kết quả thu được thể hiện bằng sự tăng cường độ phổ hấp thụ hồng ngoại của chúng, cũng như tăng độ dẫn điện. Vấn đề này có ý nghĩa khi các thành phần vi lượng được hoạt hóa bằng từ trường hoạt tính sinh học của chúng được tăng lên, điều này đã giúp cho sự vận chuyển linh động hơn của các thành phần vi lượng cho quá trình hấp thụ trao đổi chất đủ ngưỡng cần thiết đối với hom rễ giâm, cành chiết, thúc đẩy quá trình tạo sơ khởi rễ và phát triển rễ horm giống.
- Đã tiến hành nhân giống bằng phương pháp giâm horm rễ tích hợp với từ trường cường độ cao (2200-2500 Gauss), kết quả thu được cho tỷ lệ tạo cây con hiệu suất cao từ đọan rễ giâm là 98,6%; tỷ lệ cây con sống 100%. Phương pháp đơn giản, người trồng hồng có thể sử dụng phương pháp này để nhân giống cây hồng ăn quả đặc sản không hạt, tạo được giống có chất lượng tốt.
- Đã tiến hành nhân giống bằng phương pháp chiết cành tích hợp với từ trường cường độ cao (2200-2500 Gauss), kết quả thu được cho tỷ lệ cành chiết tạo được sơ khởi rễ khá cao (80,6%), tỷ lệ cành chiết có sơ khởi rễ ra rễ đạt hiệu suất đáng khích lệ là 21,5%, tỷ lệ cành chiết ra rễ hạ bầu sống 100% Đây là một kỹ thuật mới lần đầu tiên thực hiện thành công nhân giống bằng phương pháp chiết cành hồng ăn quả không hạt tích hợp với từ trường ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nhằm tạo được khả năng kích thích phát triển rễ cái đạt hiệu quả cao hơn từ sơ khởi rễ đã được tạo ra bằng phương pháp này. Thành công của kỹ thuật này sẽ góp phần bảo tồn được cây hồng mẹ, cây con vẫn giữ nguyên được các đặc tính quý di truyền của cây mẹ, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất nền kinh tế thị trường và sẽ đóng góp thêm một kỹ thuật nhân giống tích hợp hữu hiệu có thể áp dụng đại trà cho bà con nông dân.
- Đã tiến hành sử dụng từ trường để hoạt hóa nước và chất lỏng phân bón NPK tưới phun trong giai đoạn vườn ươm đã kích thích sinh trưởng cây hồng giống, chiều cao của cây tăng 9,1% so với cây con tưới bằng nước và chất lỏng phân bón NPK không được hoạt hóa bằng từ trường. Tỷ cây con sống đạt 98,7 %. Đây là kỹ thuật có thể sử dụng rộng rãi trong việc chăm sóc cây giống để tạo thành cây đạt chất lượng trong giai đoạn vườn ươm trước khi xuất vườn đưa vào trồng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17066/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/