Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 21-02-2022

Nghiên cứu ứng dụng của công nghệ Blockchain trong định danh điện tử

Nhìn chung, có khá nhiều tài liệu nước ngoài nghiên cứu về Blockchain, mô hình ứng dụng Blockchain cũng như khả năng ứng dụng của công nghệ này vào các lĩnh vực cụ thể, nổi bật là lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng (giao dịch, tiền điện tử, hợp đồng thông minh…), y tế, logistic và trong xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, có rất ít tài liệu nghiên cứu về ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử. Song tiềm năng ứng dụng công nghệ này là rất lớn, nó đã và đang trên đà trở thành xu hướng trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Bằng chứng là các quốc gia như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada, Đài Loan… đang triển khai nhiều dự án thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống xác thực và quản lý định danh điện tử của mình. Ngay cả quốc gia thành công nhất trong xây dựng Chính phủ điện tử và định danh công dân là Estonia cũng đang chuyển đổi hệ thống định danh hiện có sang hệ thống chạy trên nền tảng Blockchain.

Tại Việt Nam, Blockchain vẫn là một công nghệ mới, bởi vậy, số lượng các công trình nghiên cứu công nghệ này vẫn còn chưa nhiều. Các cuốn sách nghiên cứu về Blockchain lưu hành tại Việt Nam phần lớn là bản dịch của các cuốn sách nước ngoài. Đa số các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, các đề tài nghiên cứu khoa học đều tập trung nghiên cứu các ứng dụng của Blockchain như tiền điện tử, hợp đồng thông minh… hoặc nghiên cứu Blockchain trong các lĩnh vực về kinh tế số, tài chính, ngân hàng và chưa có một tài liệu khoa học nào đề cập và nghiên cứu ứng dụng Blockchain trong định danh điện tử. Blockchain cũng chỉ được đề cập như một loại công nghệ mới, công nghệ hiện đại, cần được ứng dụng trong xây dựng Chính phủ điện tử và định danh điện tử. Bởi vậy, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử” của Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông do ThS. Hoàng Thị Bích Hạnh làm chủ nhiệm có thể được coi là đề tài nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về Blockchain, định danh và định danh điện tử, cũng như nghiên cứu tình hình triển khai, chính sách ứng dụng Blockchain trong định danh điện tử của một số quốc gia trên thế giới, đề tài nghiên cứu tính khả năng áp dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử tại Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị sau:

1. Đối với nghiên cứu tình hình triển khai công nghệ Blockchain trên thế giới và Việt Nam

Nhóm đề tài đã nghiên cứu một cách tổng quan về các khái niệm Blockchain, các kiểu dạng Blockchain, các phiên bản và nguyên lý hoạt động của nó cũng như bức tranh tổng quát về tình hình triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain trên thế giới và tại Việt Nam.

2. Đối với nghiên cứu tình hình triển khai định danh điện tử trên thế giới và Việt Nam

Các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều hình thức khác nhau vào xác thực và định danh công dân. Ở Việt Nam nói riêng với các hình thức xác thực và định danh như đã nói ở trên vẫn còn chưa thực sự đồng bộ và mang tính hệ thống. Các hình thức đang được sử dụng vẫn chưa thực sự đảm bảo mức độ an toàn cho các giao dịch nên việc lựa chọn công nghệ để cung cấp các hình thức xác thực và định danh phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng của nước ta là vô cùng quan trọng. Đây cũng là mấu chốt để phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

3. Đối với nghiên cứu tình hình ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử trên thế giới và Việt Nam

Công nghệ Blockchain hiện nay được một số nước trên thế giới ứng dụng trong định danh điện tử. Tuy nhiên, các quốc gia như Hà Lan, Canada, Thụy Sĩ, Đài Loan mới dừng lại ở mức độ thí điểm. Đối với Việt Nam, định danh và xác thực điện tử vẫn đang nằm trong tình trạng xây dựng Nghị định, vì vậy đây là vấn đề cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện để thúc đẩy sự phát huy thế mạnh của các giao dịch điện tử, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến để tạo đà và điều kiện thuận lợi cho hệ thống định danh điện tử quốc gia.

4. Đối với nghiên cứu khả năng áp dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử tại Việt Nam, đề xuất và khuyến nghị.

Blockchain là công nghệ có tiềm năng ứng dụng lớn trong quản lý và xác thực danh tính điện tử. Tính khả thi của việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, khung hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và ngân sách quốc gia. Để có thể đánh giá một cách chi tiết và chính xác mức độ khả thi và hiệu quả ứng dụng công nghệ này, cần có thử nghiệm thực tế, trước mắt là trên quy mô nhỏ. Nếu áp dụng thành công Blockchain vào định danh điện tử, Việt Nam không chỉ củng cố được uy tín của mình trên trường quốc tế mà còn ghi tên vào bản đồ công nghệ thế giới như một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng thành công blockchain trong lĩnh vực này.

Như vậy, ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh điện tử hiện đang là xu hướng mới, đã và đang được triển khai thí điểm tại một số quốc gia như Thụy Sĩ, Canada… hay tại Estonia - quốc gia có hệ thống Chính phủ điện tử phát triển nhất thế giới cũng đang dần chuyển đổi hệ thống xác thực và định danh điện tử của mình sang chạy trên nền tảng Blockchain. Từ thực trạng tình hình triển khai và ứng dụng Blockchain trong định danh điện tử cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, có thể đánh giá Blockchain có khả năng giải quyết phần lớn các hạn chế còn tồn tại trong hệ thống và phương thức quản lý định danh truyền thống. Không chỉ đem lại sự rõ ràng, minh bạch về mặt thông tin mà còn đảm bảo được tính bảo mật, bền vững, giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa hoạt động duy trì hệ thống…

Việt Nam là một quốc gia nhanh nhạy với sự thay đổi và phát triển những công nghệ mới, bởi vậy, việc ứng dụng Blockchain trong một số lĩnh vực đã gặt hái được những kết quả nhất định. Việt Nam có thể áp dụng Blockchain trong định danh điện tử. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng một cách hiệu quả và thành công, Chính phủ cần tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain cũng như xây dựng một khung hành lang pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sự minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong cơ sở dữ liệu danh tính đầu vào cho toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trên Blockchain. Và điều cần thiết nhất hiện nay để ứng dụng thành công Blockchain trong định danh điện tử, song song với xây dựng khung hành lang pháp lý cho Blockchain, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan cần xây dựng một hạ tầng định danh mới dựa trên Blockchain và tiến hành thí điểm, trước mắt là ở quy mô nhỏ để đánh giá một cách toàn diện, chính xác về khả năng và mức độ giải quyết hạn chế của Blockchain so với hệ thống xác thực, định danh truyền thống hiện có.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16943/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 34
Hôm nay: 30
Tổng lượt truy cập: 4.047.440
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!