Phân lập chủng vi khuẩn có khả năng khử mặn cho nước ruộng
Nhiễm mặn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp. Việt Nam nằm trong những nước bị ảnh hưởng nhiễm mặn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, thị trường khử mặn có nhu cầu rất lớn và đang phát triển mạnh do nguồn cung cấp nước ngọt ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, các công nghệ khử mặn hiện nay không phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì giá thành đầu tư lớn, giá thành phẩm nước ngọt quá cao so với điều kiện qui mô sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, các chế phẩm vi sinh ứng dụng trong giảm mặn có nhiều ưu điểm như khả năng sống và tăng sinh trong điều kiện tự nhiên tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm số lượng lớn, dễ dàng đóng gói và vận chuyển, chuyển giao công nghệ thuận tiện,... Tuy nhiên, hiện nay trong nước và thế giới có rất ít các công bố nghiên cứu về giống chủng vi sinh giảm mặn. Vì vậy, nhu cầu chọn lọc các chủng vi sinh vật có khả năng giảm mặn nhằm tạo ra các chế phẩm vi sinh ứng dụng trong xử lý giảm mặn nông nghiệp là cần thiết.
Trước thực tiễn xâm nhập mặn đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Phân lập, chọn lọc chủng vi khuẩn quang dưỡng có khả năng làm giảm mặn và thử nghiệm ứng dụng trong nông nghiệp”.
Nhóm tác giả thu thập 300 mẫu nước và bùn tại huyện Cần Giờ (TPHCM), Ngọc Hiển (Cà Mau), Trần Đề (Sóc Trăng) và Gò Công Đông (Tiền Giang). Từ đó, phân lập và chọn lọc chủng vi khuẩn quang dưỡng và thử nghiệm khả năng giảm mặn của chúng và thử nghiệm ứng dụng trong nông nghiệp.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phân lập, sàng lọc được 126 giống vi khuẩn quang dưỡng, 74 giống chịu mặn, 39 giống chủng có khả năng giảm mặn trên 20%. Kết quả sàng lọc ở nồng độ muối 25‰, 30‰ và 35‰, thu nhận được 3 giống CM53.2, CG3.1 và CM37 có tính ổn định giảm mặn từ 31% - 36%.
Thử nghiệm trên ruộng lúa. Ảnh: NNC
Kết quả thử nghiệm với nước biển tự nhiên (được lấy từ Vũng Tàu), mỗi giống có khả năng giảm mặn tối đa khoảng 14%. Với hỗn hợp 3 giống, khả năng giảm mặn tối đa là 17,39%. Thử nghiệm ngoài ruộng lúa (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), kết quả độ giảm mặn tối đa khoảng 14,7% trong độ mặn 3,4‰ vào ngày thứ 5, sau khi xử lý hỗn hợp giống. Chiều cao cây và chiều dài rễ mẫu thử nghiệm tốt hơn so với mẫu đối chứng (không dùng chủng vi sinh khử mặn). Năng suất thực tế ở mẫu thử nghiệm là 1,23 tấn/ha, cao hơn so với mẫu đối chứng là 1,2 tấn/ha.
Hiện, nhóm tác giả đã làm chủ được qui trình phân lập và sàng lọc chủng vi khuẩn quang dưỡng có khả năng giảm mặn được phân lập từ nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu. Nhóm tác giả đang tiếp tục khảo nghiệm ngoài ruộng với các đối tượng cây trồng khác để đánh giá khả năng ứng dụng của những chủng giống vi khuẩn, ở các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.
https://khoahocphattrien.vn/