Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm cuối châu thổ sông Mê Công có diện tích khoảng 3,9 triệu ha. Đây là vùng đất nông nghiệp trù phú, đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài nhu cầu sử dụng của người dân trong khu vực, ĐBSCL còn đang chịu áp lực lớn trong khai thác nguồn nước từ các công trình ở thượng nguồn như các hồ, đập thủy điện và các khu tưới, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH-NBD). Như là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội, vấn đề cân bằng cung cầu và đảm bảo an ninh nguồn nước cần được giải quyết.
Vị trí địa lý khu vực ĐBSCL và vùng ĐTM.
Nhằm mục đích giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước tại vùng ĐBSCL, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam do PGS.TS. Vũ Văn Nghị dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu của đề tài bao gồm:
1) Xác lập cơ sở khoa học về đặc điểm và quy luật tự nhiên của khu vực ĐBSCL và vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) làm tiền đề cho quy hoạch vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt;
2) Đánh giá tác động của con người và ảnh hưởng của BĐKH đến cân bằng tài nguyên nước, hệ sinh thái (HST) khu vực ĐBSCL và vùng ĐTM;
3) Đề xuất mô hình, giải pháp quy hoạch vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Sau 36 tháng tiến hành, Đề tài đã đạt được các kết quả chính như sau:
- Báo cáo đặc điểm và quy luật tự nhiên của khu vực ĐBSCL, vùng ĐTM – cơ chế thích ứng tự nhiên của vùng: Tổng quan về tài nguyên nước vùng nghiên cứu; đặc điểm về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các quy luật tự nhiên, cơ chế thích ứng khu vực nghiên cứu.
- Báo cáo đánh giá tác động của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cân bằng tài nguyên nước, hệ sinh thái khu vực ĐBSCL và vùng ĐTM: Phân tích đặc điểm Kinh tế - Xã hội, xác định các yếu tố và hoạt động của con người tác động đến tài nguyên nước (TNN); đánh giá tình hình khai thác sử dụng nước khu vực nghiên cứu; các kịch bản BĐKH tác động đến cân bằng TNN.
- Kết quả đánh giá an ninh nguồn nước cho khu vực ĐBSCL: Đánh giá các nguy cơ, thách thức, việc chia sẻ nguồn nước, các giải pháp quy hoạch và thể chế chính sách tác động đến an ninh nguồn nước ĐBSCL.
- Báo cáo đánh giá và tích hợp các nghiên cứu quy hoạch không gian, cảnh quan nhằm chuyển đổi vùng ĐTM theo hướng trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL: Đánh giá quy hoạch phát triển ĐBSCL và ĐTM. Tích hợp quy hoạch nhằm chuyển đổi vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt cho ĐBSCL; Đánh giá tiềm năng trữ nước của ĐTM.
- Hồ sơ về giải pháp kỹ thuật nhằm quy hoạch vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Hồ sơ về giải pháp kỹ thuật gồm: 1) Hồ sơ thiết kế các mô hình thí điểm tích trữ nước ngọt trên sông kênh và ô đồng ở hai khu vực (khu phía Bắc và khu trung tâm ĐTM); 2) Hồ sơ đề xuất quy trình vận hành phân bổ nguồn nước ngọt từ khu trữ ĐTM; 3) Hồ sơ khảo sát đo đạc mặt cắt ngang tuyến kênh lựa chọn thí điểm ở hai khu vực lựa chọn tỉ lệ 1:1000; 4) Bình đồ khảo sát hai khu vực ô đồng lựa chọn thí điểm (khu phía Bắc và khu trung tâm ĐTM) tỉ lệ 1/1000; 5) Kết quả phân tích chất lượng nước tại các khu vực lựa chọn thí điểm;
- Báo cáo đánh giá khả năng thực hiện, kiến nghị chính sách cần thiết để quy hoạch vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH: Đánh giá tác động của các giải pháp chuyển đổi vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt đến xã hội và môi trường và khả năng thực hiện của các giải pháp. Xác định thứ tự ưu tiên, kiến nghị chính sách cần thiết và đề xuất lồng ghép các giải pháp vào quy hoạch ngành.
Từ những kết quả đạt được, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra kết luận và một số kiến nghị như sau:
ĐBSCL là vùng đất nông nghiệp trù phú, tuy nhiên dễ bị tổn thương bởi tính đặc thù của nó. Trước sự khai thác của con người và BĐKH, ĐBSCL luôn đối mặt với thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là thời kỳ mùa khô từ tháng 1-5 khi mà dòng chảy thượng nguồn về thấp cộng với lượng nước ngọt phân phối vào trong nội đồng không nhiều. Hiện tượng xâm nhập mặn như là quy luật tự nhiên của các đồng bằng có địa hình thấp, giáp biển. Dựa trên phân tích biến động dòng chảy thượng nguồn tại Kratie theo các thời kỳ 1924-1960, 1961-2000 và từ 2001-2016 cho thấy lưu lượng mùa khô từ tháng 1-5 có xu thế tăng lên. Hơn nữa, như trình bày ở trên, một trong những nguyên nhân chính yếu của sự thiếu hụt nước là do nhu cầu nước rất lớn ở khu vực ĐBSCL, trong khi lượng nước ngọt phân phối vào nội đồng thấp (vào mùa kiệt hơn 90% theo các dòng chính đổ trực tiếp ra biển). Dưới góc nhìn về mặt khoa học và thực tiễn thống kê, do đó:
- Để giải quyết bài toán thiếu hụt hay đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt hiện tại và trong tương lai (2030 và 2050) dưới tác động của BĐKH-NBD, ĐBSCL cần được chủ động tích trữ nước ngọt bằng các công trình trữ, kiểm soát xâm nhập mặn và điều phối nguồn nước.
- Trong các phương án trữ nước trên kênh và trữ nước trên ô đồng, mô hình trữ nước trên kênh cấp II và III được kiến nghị thực hiện. Phương án này có tính khả thi bởi nó có khả năng trữ được 28,80 triệu m3/ngày (tăng lên so với hiện trạng là 19,77 triệu m3/ngày) sẽ đảm bảo tạo nguồn cung cấp nước ngọt cho các tiểu vùng thiếu nước thuộc phía Nam ĐTM với nhu cầu sử dụng là 14,3; 15,3 và 15,7 triệu m3/ngày tương ứng với giai đoạn hiện trạng và trong tương lai (2030 và 2050) dưới tác động của BĐKH-NBD và hạn chế ảnh hưởng đến giao thông thuỷ trong khu vực. Phương án bao gồm việc nạo vét các kênh trữ nước và xây dựng các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư khoản 17.998 tỉ đồng được phân kỳ trong các giai đoạn từ 2020-2025 và 2026-2035 với kinh phí phân bổ từ nguồn vốn trung ương.
- Cần bổ sung các công trình kiểm soát mặn tại đầu kênh, nơi tiếp giáp với sông Tiền vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, cụ thể 14 cống: (1) Cống Nguyễn Văn Tiếp; (2) Cống Cao Lãnh 1; (3) Cống Cao Lãnh 2; (4) Cống Đường Thét; (5) Cống Cái Bèo; (6) Cống 307; (7) Cống kênh 5; (8) Cống kênh 7; (9) Cống Cái Bè; (10) Cống Ba Rài; (11) Cống Thanh Niên; (12) Cống Phú Ninh; (13) Cống Tấn Thành; (14) Cống Sáu Âu. Tổng kinh phí dự kiến cho các cống 297,5 tỉ đồng được phân thành 2 giai đoạn từ năm 2020-2025 và 2026-2035 với kinh phí phân bổ từ nguồn vốn trung ương.
- Các mô hình trữ nước trên kênh ở khu vực có tiềm năng nước ngọt vùng ĐTM kết hợp với các công trình kiểm soát mặn có thể áp dụng tương tự cho các vùng khác của ĐBSCL như Bán đảo Cà Mau (BĐCM), Tứ giác Long Xuyên (TGLX), Giữa sông Tiền - sông Hậu (GSTSH).
- Các giải pháp trữ nước và kiểm soát mặn nên được lồng ghép vào các quy hoạch chuyên ngành thủy lợi, phòng chống thiên tai, phù hợp với các giải pháp tổng thể được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Các giải pháp kỹ thuật nhằm quy hoạch vùng ĐTM trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã được nghiên cứu đầy đủ các nội dung đúng như đề cương được phê duyệt, tuy nhiên đây là một nghiên cứu mang tính chất vĩ mô, đa khía cạnh, trong khi phạm vi khảo sát và thiết kế ô mẫu chiếm tỉ lệ nhỏ so với vùng ĐTM. Do đó, để thực thi cần phải có những khảo sát và đánh giá chi tiết, toàn diện cả vấn đề kỹ thuật, kinh tế và môi trường cho vùng ĐTM cũng như khu vực ĐBSCL nói chung. Ngoài ra, các giải pháp phi công trình, mà chưa đề cập trong khuôn khổ nội dung của đề tài này, cần được nghiên cứu bổ sung, ví dụ đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thể chịu được ngưỡng nồng độ mặn cao hơn ở những vùng ven biển khan hiếm nguồn nước ngọt.
Việt Nam cần duy trì và tăng cường hợp tác Mê Công thông qua Ủy hội sông Mê Công (MRC), tích cực thúc đẩy tăng cường sức mạnh của Ủy hội và các cơ chế của Ủy hội trên cơ sở hợp tác với các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển. Điều này sẽ giúp cho việc nắm bắt quy luật, ổn định dòng chảy hay tiên đoán trước được biến động dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL, nhất là dòng chảy kiệt. Từ đó, tạo thế chủ động hơn trong các vấn đề về nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực ĐBSCL. Trong báo cáo an ninh nguồn nước này cũng trình bày trích dẫn các thể chế, chính sách hợp tác dùng nước, chia sẻ nguồn nước sông Mê Công mà đã được các quốc gia trong tiểu vùng Mê Công thể chế hóa qua các văn kiện hợp tác chính thức. Những điều này cần được thực thi đầy đủ và hợp lý.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17419/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/