Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng thử nghiệm một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics nhỏ và vừa là một yêu cầu mang tính cấp thiết. Bởi lẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ nhằm mục đích là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần vào sự tăng trưởng của ngành và sự phát triển kinh tế của quốc gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ cho thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống còn 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Với thực tế hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc chưa có một đề tài nào đi sâu nghiên cứu về vấn đề này một cách đầy đủ, “Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng thử nghiệm một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc" do TS. Nguyễn Thị Bích Thủy tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại thực hiện vào năm 2019, có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Mục tiêu của đề tài là đề xuất về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và áp dụng kết quả thử nghiệm các giải pháp tại doanh nghiệp.
Đề tài đã phân tích thực trạng về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, có sự so sánh đối chiếu giữa hai nhóm doanh nghiệp nội địa và nhóm doanh nghiệp FDI để từ đó đưa ra những nhận xét đánh giá về năng lực cạnh tranh của nhóm các doanh nghiệp logistics nội địa. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng vận dụng mô hình 5 áp lực cạnh tranh của M. Porter để phân tích năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Từ những kết luận được rút ra, đề tài đã đưa ra 9 giải pháp vi mô là những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics. Bên cạnh đó, là các giải pháp vĩ mô là cơ sở & tạo tiền đề để các giải pháp vi mô khi thực hiện đạt được tính khả thi cao. Cuối cùng, logistics là lĩnh vực rất rộng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ này cũng thay đổi nhanh chóng nên đề tài khó tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình nghiên cứu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17333/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/