Nghiên cứu cải tiến các dòng bố mẹ để tạo giống lúa lai 2, 3 dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu rầy nâu, bạc lá
Ở Việt Nam, diện tích gieo cấy lúa lai được mở rộng một cách nhanh chóng từ những năm cuối của thập niên 90 (thế kỷ 20) đến những năm đầu củathế kỷ 21. Diện tích gieo cấy lúa lai năm 1991 chỉ đạt 100ha, sau đó tăng lên 665.099ha (chiếm 9,0% diện tích lúa cả nước) năm 2016. Tuy nhiên, diện tích gieo cấy lúa lai ở nước ta bắt đầu giảm từ năm 2017. Năm 2017 diện tích lúa lai giảm 185.799ha và năm 2018 giảm 207.099 ha so với năm 2016. Một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích lúa lai giảm là do các giống lúa lai đưa vào sản xuất có năng suất sản xuất hạt lai F1 thấp, giá thành hạt giống cao dẫn đến hiệu quả kinh tế không vượt qua các giống lúa thuần. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu cực đoan cũng làm giảm diện tích gieo cấy lúa, trong đó có lúa lai. Biến đổi khí hậu còn làm cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh (như bệnh bạc lá, rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá v.v...) xảy ra khó lường, gây khó khăn cho công tác dự tính dự báo và gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa gạo.
Chính vì các nguyên nhân trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Mười tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cải tiến các dòng bố mẹ để tạo giống lúa lai 2, 3 dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu rầy nâu, bạc lá” từ năm 2015 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu Qui tụ các gen hữu ích vào dòng bố mẹ để tạo ra bố mẹ mới mang các gen mong muốn làm cơ sở để lai tạo chọn lọc 2 - 3 tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng mới có năng suất hạt F1 cao > 2,5 tấn/ha, TGST ngắn, năng suất lúa thương phẩm cao (8 - 9 tấn/ha), chất lượng tốt (hàm lượng amylose < 20%), chống chịu sâu bệnh hại chính.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Đã lai qui tụ gen kháng bệnh bạc lá từ dòng IRBB66 (mang gen kháng bệnh bạc lá Xa4, xa5, Xa7, Xa13, Xa21; thể cho) vào 10 dòng TGMS và 4 cặp dòng CMS chọn tạo được 17 dòng TGMS mới, và 5 cặp dòng A/B mới. Đánh giá ngưỡng chuyển đổi tính dục của 17 dòng TGMS mới đã chọn lọc được 8 dòng TGMS có ngưỡng chuyển đổi tính dục là 24 độ C, tỷ lệ hạt phấn bất dục đạt 100%. Đánh giá kiểm tra gen kháng bệnh bạc lá bằng chỉ thị phân tử đã xác định được 8 dòng TGMS trên mang 3 trong 3 gen kháng được kiểm tra (xa5; Xa7 và Xa21). Đánh giá nhân tạo khă năng kháng bệnh của 8 dòng TGMS có khả năng từ kháng cao (điểm 1) đến kháng (điểm 3) với các mẫu bệnh bạc lá thu thập ở Nam Định và Hưng Yên. Hai cặp dòng A/B (14A/B và 15A/B) có độ ổn định bất dục tốt, mang 2/3 gen kháng (14A/B mang cặp gen kháng bạc lá là xa5 và Xa7; 15A/B mang cặp gen kháng bạc lá là xa5 và Xa21), kháng điểm 3 với các mẫu bệnh bạc lá thu thập ở Nam Định, Hưng Yên.
- Đã sử dụng 34 dòng R thu thập ở trong nước và nhập nội (thể nhận) lai tích lũy gen kháng rầy nâu từ dòng Ptb33 (dòng mang gen kháng rầy nâu bph2 và Bph3, thể cho) đã chọn tạo được 26 dòng R mới. Đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển, đặc điểm nông sinh học, khả năng kháng nguồn rầy nâu thu thập ở Nam Định đã tuyển chọn được 5 dòng R mới. Đó là các dòng RHC3-KR; R12-KR; R20-KR; R26- KR và R37-KR. 5 dòng R mới mang gen kháng rầy nâu bph2 và Bph3, kháng tốt với nguồn rầy nâu thu thập ở Nam Định (kháng điểm 3), tương đương với dòng Btb33.
- Đã hoàn thiện qui trình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp TH6-6 và MV2 áp dụng cho các tỉnh phía Bắc và Nam Trung bộ. Qui trình sản xuất hạt lai F1 đạt năng suất trên 3 tấn/ha, chất lượng hạt giống đảm bảo theo qui chuẩn Việt Nam (QCVN 01-51:2011/BNNPTNT-chất lượng hạt giống lúa lai 2 dòng; QCVN 01-50:2011/BNNPTNT - chất lượng hạt giống lúa lai 3 dòng).
- Đã xây dựng mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 tổ hợp TH6-6 và MV2 tại Nam Định và Quảng Nam. Qui mô 2ha/mô hình/giống/tỉnh. Năng suất sản xuất hạt lai của tổ hợp TH6-6 đạt từ 3,49 (Nam Định) đến 3,72 tấn/ha (Quảng Nam), chất lượng hạt giống F1 đảm bảo theo qui chuẩn Việt Nam (QCVN 01-51:2011/BNNPTNT). Năng suất sản xuất hạt lai của tổ hợp MV2 đạt từ 3,52 (Nam Định) đến 4,11 tấn/ha (Quảng Nam), chất lượng hạt giống F1 đảm bảo theo qui chuẩn Việt Nam (QCVN 01-50:2011/BNNPTNT).
Đề tài đã xây dựng được qui trình thâm canh thương phẩm giống lúa lai hai dòng TH6-6, giống lúa lai ba dòng MV2 tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Qui trình thâm canh thương phẩm giống TH6-6 đạt 8,56 đến 8,79 tấn/ha (vụ Xuân), 7,37 đến 7,59 tấn/ha (vụ Mùa). Qui trình thâm canh thương phẩm giống MV2 đạt 8,47 đến 8,92 tấn/ha (vụ Xuân), 7,45 đến 7,53 tấn/ha (vụ Mùa).
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17717/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/