Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 23-12-2022

Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng Mỡ (Manglietia conifera Blume) có năng suất cao cung cấp gỗ lớn ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

Trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, nhất là ở những khu vực miền núi, điều kiện phát triển khó khan. Toàn ngành đã thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án quy mô lớn, đưa độ che phủ của rừng liên tục tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010; 40,84% năm 2015 và đến tháng 12/2018 là 41,65%. Năng suất và chất lượng rừng, nhất là rừng trồng tập trung được cải thiện; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh; góp phần tạo việc làm, tang thu nhập cho hàng triệu lao động.

Mỡ (Manglietia conifera) là cây lâm nghiệp đã và đang được phát triển ở nhiều địa phương thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Mỡ có giá trị kinh tế cao và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Năm 2017, Mỡ tiếp tục được xác định là loài cây trồng lâm nghiệp chính. Tuy nhiên, hiện nay quy mô rừng trồng Mỡ chưa tương xứng với tiềm năng của loài; ở một số địa phương rừng trồng Mỡ đang bị thay thế bởi loài cây khác (như cây Quế ở Lào Cai, hoặc các các loài cây mọc nhanh như keo, bạch đàn ở nhiều địa phương khác).

Thực tế sản xuất lâm nghiệp cho thấy, các quy trình trồng rừng và quy trình kinh doanh rừng chồi Mỡ đã được áp dụng rộng rãi từ thập niên 80 của Thế kỷ XX. Tuy nhiên, các quy trình này chưa thật sự hiệu quả. Một số kỹ thuật nhân giống và trồng Mỡ bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thúc đẩy việc kinh doanh rừng Mỡ theo hướng cung cấp gỗ lớn. Trước đòi hỏi của thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn sắp tới, nhằm xây dựng rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh rừng trồng bền vững (Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp), thì vấn đề nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng Mỡ có năng suất cao cung cấp gỗ lớn là hết sức cần thiết.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Lâm nghiệp cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Bùi Thế Đồi thực hiện Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng Mỡ (Manglietia conifera Blume) có năng suất cao cung cấp gỗ lớn ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung bộ với mục tiêu: Chọn được ít nhất 2 xuất xứ tốt, 05 gia đình có triển vọng và 50 cây trội cho mỗi vùng; Xác định được lập địa thích hợp cho trồng rừng Mỡ nhằm mục đích lấy gỗ lớn; Xây dựng được 09 ha khảo nghiệm giống kết hợp làm vườn giống (mỗi vùng 03 ha); Xây dựng được 21 ha rừng thí nghiệm về kỹ thuật trồng Mỡ thâm canh có năng suất cao và hạn chế sâu bệnh để cung cấp gỗ lớn; 06 ha thí nghiệm tỉa thưa tại ba vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Ở Việt Nam diện tích rừng trồng mới tăng mạnh từ 1,92 triệu ha năm 2002 lên 3,4 triệu ha năm 2012, bình quân tăng 127.000 ha/năm (RPH 652.364 ha, RĐD 81.686 ha, RSX 2.548.561 ha và trồng trên diện tích đất ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp 155.589 ha). Tổng trữ lượng rừng trồng 73,5 triệu m³, trong đó trữ lượng rừng trồng sản xuất khoảng 56 3 triệu m³, bình quân tăng 6,2%/năm. Sau rất nhiều chủ trương, chính sách và các chương trình phù hợp, diện tích rừng trồng của cả nước không ngừng tăng. Tính đến 31/12/2018, tổng diên tích rừng trồng đã đạt 4.235.770 ha trong tổng số 14.491.295 ha rừng toàn quốc (Báo cáo tổng kết năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp).

Theo Báo cáo của Chi cục Kiểm Lâm của các tỉnh thuộc ba vùng nghiên cứu tính đến hết năm 2018, tổng diện tích rừng trồng và các loài cây trồng rừng chủ yếu của các vùng như sau:

- Vùng Đông Bắc trồng được 1.238.340,48 ha; có 82 loài cây thuần loài, trong đó cây Keo vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất 762.703,17 ha, chiếm 51,09%; Thông 259.642,53 ha, chiếm 17,39%; Mỡ 103.313,16 ha (6,92%); Bạch đàn 94.521,98 ha (6,33%); Quế 81.093,68 ha (5,43%); Bồ đề 58.889,13 ha (3,94%), Hồi 50.135,01 ha (3,36%), Sa mộc 20.982,63 ha (1,41%)... và một số loài cây gỗ bản địa khác: Sưa, Lát hoa, Xoan đào, Quế, Trẩu…

- Vùng Tây Bắc: Tổng diện tích rừng trồng là 493.219, 14 ha, trong đó diện tích rừng trồng thuần loài là chủ yếu 475.674,5 ha, chiếm 96,4% tổng diện tích; rừng trồng hỗn loài chiếm tỷ lệ nhỏ 3,6%, với 17.545 ha. Vùng Tây Bắc có khoảng 49 loài cây trồng thuần loài, trong đó cây Keo vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất 204.902,5 ha, chiếm 41,5%; tiếp đến là cây Luồng (12,1%); cây Thông (9,1%); cây Cao su (3,4%); Quế (2,3%); Xoan (1,8%)… Ngoài ra còn có các loài cây lâm nghiệp khác như Giổi, Muồng, Tống quá sủ, Mỡ, Táo mèo, Sa mộc, Lát, Luồng, Tếch, Xoan,… Trong đó Mỡ được trồng nhiều hơn ở Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái

- Vùng Bắc Trung Bộ: Tổng diện tích rừng trồng là 700.712 ha, trong đó: Rừng trồng thuần loài là 574.412 ha (82,0%), rừng trồng hỗn giao là 126.300 ha (18,0%).. Loài cây trồng rừng rất đa dạng, có tới trên 40 loài cây được trồng thuần loài và trên 57 công thức trồng rừng từ thuần loài đến hỗn giao. Các loài cây trồng phổ biến nhất đối với trồng thuần loài là Keo, Thông, Cao su, Bạch đàn, Xoan…; trồng hỗn giao như: tre nứa (Vầu + Tre + Luồng), Bạch đàn + Keo, Thông + Keo, Thông + Sao + Keo. Cây Mỡ tại khu vực này ít được quan tâm chỉ có một diện tích nhỏ được trồng ở Nghệ An và một ít ở tỉnh Thanh Hóa.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Chọn được 150 cây trội tại các tỉnh gồm: Bắc Kạn 22 cây; Phú Thọ 21 cây, Tuyên Quang 21 cây, Hòa Bình 22 cây, Yên Bái 22 cây, Thanh Hóa 21 cây và Nghệ An 21 cây. Các cây trội đều có hình thái cân đối, thân thẳng, sinh trưởng và phát triển tốt. Đường kính trung bình dao động 25,2-41,2cm; chiều cao vút ngọn trung bình biến động 18,4-25,3m; chiều cao dưới cành trung bình dao động từ 11,7-18,3m và đường kính tán trung bình dao động từ 5,0-7,5m; độ vượt trội về thể tích từ 1,58-4,1 lần so với trung bình quần thể.

- Quần thể rừng trồng dự tuyển ở Thanh Hóa (TH), Hòa Bình (HB) và Nghệ An (NA) có mức độ đa dạng di truyền khá cao, quần thể rừng trồng dự tuyển Yên Bái (YB) và Tuyên Quang (TQ) ở mức độ đa dạng di truyền trung bình. Quần thể rừng trồng dự tuyển BK và PT nên xem xét khi mở rộng phát triển.

- Tại vùng Tây Bắc: 02 xuất xứ có triển vọng là Chiêm Hóa (TQ), Bạch Thông (BK); vùng Đông Bắc: 02 xuất xứ có triển vọng là Chiêm Hóa (TQ) và Thanh Chương (NA); và vùng Bắc Trng Bộ: 02 xuất xứ triển vọng là Chiêm Hóa (TQ) và Bá Thước (TH).

- Các mô hình thí nghiệm trồng rừng Mỡ thâm canh vùng Tây Bắc bị chết do thời tiết cực đoan xảy ra trong thời gian triển khai đề tài (nắng nóng bất thường tháng 6-7/2017) nên khuyến cáo hạn chế trồng Mỡ ở những khu vực có khí hậu có khả năng có nắng nóng bất thường.

- Tại vùng Đông Bắc: Nghiên cứu chỉ ra, phương thức trồng rừng Mỡ chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng rừng, trong khi đó, mật độ trồng rừng 1660 cây/ha cho sinh trưởng và chất lượng rừng Mỡ tốt nhất; chế độ bón phân là bón lót với liều lượng 100 g NPK + 500 g phân vi sinh/hố sẽ cho kết quả tốt đối với rừng trồng Mỡ.

- Tại vùng Bắc Trung Bộ (chỉ tiến hành thí nghiệm phương thức trồng và mật độ trồng). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Phương thức trồng rừng (NLKH hay LGR) ảnh hưởng không rõ rệt đến sinh trưởng và chất lượng rừng Mỡ. Trong khi đó mật độ trồng thấp (1110 cay/ha) lại có kết quả tốt nhất cho sinh trưởng (D1,3) của cây Mỡ, nhưng mật độ không ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng rừng trồng.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17878/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 1355
Tổng lượt truy cập: 4.036.054
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!