Thiết kế mạng băng thông rộng cho thành phố thông minh
Tận dụng các hạ tầng mạng sẵn có, cùng các loại dịch vụ kết nối truyền dẫn đang triển khai tại TPHCM, nhóm tác giả thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông Cơ sở TPHCM đã thiết kế mạng băng thông rộng, phục vụ phát triển thành phố thông minh, giúp giảm chi phí đầu tư và tăng tính bảo mật thông tin.
Hiện nay, TPHCM đã có mạng băng thông rộng MetroNet kết nối UBND Thành phố với sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Trong đó, có gần 800 điểm đã kết nối vào hệ thống mạng phục vụ việc trao đổi thông tin trong vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp.
Tuy nhiên, mạng Metronet hiện nay vẫn còn một số hạn chế như khó mở rộng băng thông, điều chỉnh băng thông giữa các thành viên của mạng. Ngoài ra, chi phí thuê giữa các doanh nghiệp viễn thông không giống nhau, gây khó khăn cho việc phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, bảo mật của hạ tầng băng thông rộng dùng riêng chưa đảm bảo, khi doanh nghiệp còn chia sẻ dùng chung dung lượng thuê bao khác trên cùng một sợi cáp.
Để khắc phục những hạn chế trên, nhóm tác giả Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Cơ sở TPHCM đã thực hiện đề tài “Thiết kế mạng băng thông rộng cho thành phố thông minh”.
Mô hình mạng băng thông rộng do nhóm thiết kế có cấu trúc 3 lớp, bao gồm lớp Core (lớp cốt lõi), lớp Aggregation (lớp tập hợp) và lớp Access (quản trị cơ sở dữ liệu), đảm bảo triển khai trên phạm vi địa lý rộng và cấu trúc tổ chức hành chính lớn gồm nhiều quận/huyện, phường/xã. Đồng thời, đáp ứng tốc độ phát triển nhanh các dịch vụ, ứng dụng đô thị thông minh và chính quyền điện tử của một thành phố lớn.
Kiến trúc tổng thể mạng băng thông rộng thiết kế cho đô thị thông minh. Ảnh: NNC
Nhóm cũng đề xuất phạm vi triển khai mạng băng thông rộng phục vụ cho đô thị thông minh cho toàn bộ hành chính của TPHCM với cấp thành phố, quận/huyện và phường/xã, với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai cấp thành phố và một số quận, huyện (lớp Core). Giai đoạn 2, triển khai cấp quận, huyện và một số phường, xã (lớp Aggregation). Giai đoạn 3, triển cấp phường, xã (lớp Access).
Mô hình tích hợp mạng băng thông rộng mới vào mạng MetroNet. Ảnh: NNC
Theo TS Tân Hạnh, Chủ nhiệm đề tài, mạng băng thông rộng mới này đảm bảo sự kế thừa và phát triển từ mạng MetroNet của Thành phố. Trong đó, mạng MetroNet vẫn phục vụ riêng cho hệ thống chính quyền điện tử của Thành phố, phần phạm vi mở rộng thêm của mạng sẽ phục vụ các hệ thống IoT và hệ thống ứng dụng của một thành phố thông minh.
Theo nhóm tác giả, do tận dụng các hạ tầng mạng sẵn có của Thành phố, các loại dịch vụ kết nối truyền dẫn của các doanh nghiệp viễn thông, nên có thể giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, nhóm đã làm chủ và đủ năng lực về kỹ thuật, công nghệ hiện đại (truyền dẫn, tích hợp, lưu trữ đám mây, AI,…), nên có thể đảm bảo khả năng mở rộng, dự phòng, quản lý, giám sát tất cả mọi thành phần mạng, cảnh báo, dự báo lỗi,…
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học cho việc triển khai Đề án “Phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.
https://khoahocphattrien.vn/