Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 20-07-2023

Quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng

Với diện tích vào khoảng 7 - 9 triệu km2, chiếm khoảng 4 - 6% bề mặt đất, đất ngập mặn (ĐNN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của loài người. Việt Nam có khoảng 12 triệu ha ĐNN phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó hai vùng là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có diện tích ĐNN lớn nhất. Vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu vực đất ngập nước vùng ven biển ĐBSH được đánh giá có mức ĐDSH cao thể hiện ở sự đa dạng các kiểu ĐNN, đặc biệt rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông là các hệ sinh thái (HST) đặc thù, quan trọng của địa phương và quốc gia; thành phần loài sinh vật đa dạng bao gồm cả các nhóm nước ngọt, nước lợ và biển. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ cần ưu tiên bảo vệ, nhiều loài có giá trị khoa học và kinh tế. ĐNN có nhiều giá trị về kinh tế - văn hóa - xã hội, là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, các hoạt động phát triển KT-XH đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng, bảo tồn ĐNN. Trong bối cảnh hiện nay, ĐNN vùng ven biển ĐBSH đang chịu sức ép rất lớn bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá và những tác động của BĐKH.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực này. Mỗi tỉnh trong vùng đều có những chiến lược/kế hoạch phát triển kinh tế ven biển với những ý tưởng rất mạnh mẽ của riêng mình như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (huyện Thái Thuỵ, Thái Bình), Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)... đã và đang có nguy cơ đe doạ môi trường sinh thái ven biển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến khu vực ven biển vùng ĐBSH, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái ĐNN, làm suy giảm ĐDSH ở khu vực. Một số loài động thực vật thuỷ sinh khác cũng chịu tác động của sự thay đổi của mực nước biển khiến cho tập tính và sinh trưởng của loài không ổn định cũng như không đạt được năng suất sinh học thường thấy... Do đó, nếu không kịp thời có những giải pháp để quản lý ĐNN vùng ven biển ĐBSH thì các hệ sinh thái ĐNN ven biển có thể sẽ bị suy thoái, kèm theo đó là các loài sinh vật nguy cấp, có giá trị khoa học và giá trị kinh tế bị suy giảm và khó có khả năng phục hồi. Trong bối cảnh như vậy, nhóm thực hiện đề tài, Viện Địa lí nhân văn, do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: Quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng nhằm rõ được thực trạng quản lý ĐNN và mối quan hệ với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH nhằm đề xuất các giải pháp quản lý ĐNN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:

1. Vùng ven biển ĐBSH có diện tích ĐNN khá lớn và đa dạng về các loại ĐNN, hiện nay hầu hết các diện tích ĐNN này đã và đang được sử dụng cho các quá trình sản xuất khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu, vùng ven biển ĐBSH được xác định bao gồm 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Những loại ĐNN có đóng góp quan trọng trong sinh kế và phát triển KT-XH của vùng ĐBSH bao gồm: Đất lúa nước, đất NTTS và RNM.

2. Việc quản lý tốt các vùng ĐNN này sẽ có vai trò to lớn để duy trì tính bền vững và khả năng cung cấp các dịch vụ HST ĐNN, trước hết là bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp phát triển kinh tế trong vùng. Bên cạnh đó, các vùng ĐNN cũng có vai trò to lớn trong điều hòa khí hậu, cân bằng vật chất của các HST, giảm nhẹ thiên tai và các tác động tiêu cực của BĐKH ở vùng ven biển. Các vùng ĐNN ven biển ĐBSH cũng là nơi tạo ra nền văn minh lúa nước với các giá trị đặc trưng văn hóa của nền nông nghiệp nông thôn vùng ven biển ĐBSH. Do vậy theo truyền thống, công tác quản lý ĐNN cũng luôn gắn liền với những phong tục tập quán và những kinh nghiệm sản xuất của người nông dân.

3. Nguyên nhân trực tiếp của sự suy giảm và suy thoái các vùng ĐNN ở Việt Nam hiện nay là do quá trình sử dụng và quản lý không hiệu quả các vùng ĐNN, bao gồm sự chuyển đổi hoàn toàn và phân mảnh các vùng ĐNN, cũng như thay đổi HST do ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức các loài sinh vật và tài nguyên nước. Những tác động của BĐKH đang ngày một lớn hơn và có chiều hướng tăng các tác động lên ĐDSH ĐNN trong trung hạn và dài hạn.

4. Tuy những giá trị của ĐNN đã được nhận thức một cách rộng rãi, các biện pháp thúc đẩy tính bền vững dài hạn về môi trường của các HST này vẫn bị bỏ qua, do áp lực tăng thu nhập và các chính sách tăng trưởng kinh tế quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển ưu tiên. Hơn nữa, tác động tích lũy do các hoạt động của con người và những áp lực lên các vùng ĐNN ít khi có sự tham gia và quản lý của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương, với nhiều nguyên nhân từ thiếu hiểu biết về tính chất phức tạp của HST ĐNN đến thiếu năng lực và cơ chế phối hợp sử dụng và quản lý bền vững tại địa phương hay xác định những đe đọa từ bên ngoài. Ngoài ra, giá trị đầy đủ của những lợi ích từ HST ĐNN vẫn chưa được những người ra quyết định và cộng đồng địa phương nhận thức đúng đắn, do đó, tạo nên những chi phí tiềm tàng và các tác động của sự phát triển liên quan đến sự suy giảm của chúng.

5. Hiện nay, vấn đề quản lý các vùng ĐNN ven biển ĐBSH cũng được Nhà nước và các địa phương rất chú ý. Tuy nhiên, công tác quản lý ĐNN vùng ven biển còn tồn tại những bất cập như: Sự thiếu rõ ràng về quyền hạn, vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ĐNN; Vấn đề quản lý ĐNN nằm rải rác trong các chính sách và văn bản; Hạn chế về nguồn lực phục vụ công tác quản lý ĐNN; Nhận thức về tầm quan trọng của quản lý ĐNN.

6. Để quản lý và sử dụng hợp lý ĐNN ven biển vùng ĐBSH, cần có các nghiên cứu cụ thể cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, và cần được hoạch định gắn liền với chiến lược phát triển KT-XH của từng vùng cụ thể.

Ngoài ra, đề tài kiến nghị cần có chính sách kiểm kê và đánh giá đầy đủ hiện trạng, các giá trị của các vùng đất ngập nước vùng ven biển ĐBSH; tích hợp và lồng ghép các chính sách quản lý ĐNN trong quá trình xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng và bảo tồn đất ngập nước cho phát triển KT-XH; quản lý ĐNN trên cơ sở tiếp cận liên ngành và sử dụng khôn khéo ĐNN. xây dựng các chính sách quản lý ĐNN trên cơ sở tiếp cận các dịch vụ HST; có các chính sách quản lý, khai thác và bảo tồn ĐNN được dựa vào cộng đồng; và đẩy mạnh truyền thông và giáo dục môi trường về bảo vệ các vùng ĐNN.

Có thể tìm đọc toàn

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 155
Hôm nay: 7554
Tổng lượt truy cập: 3.273.812
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.