Nghiên cứu trồng xen cây bông trong vườn cây ăn quả ở thời kỳ kiến thiết cơ bản tại Bắc Giang
Trong những năm gần đây, diện tích trồng cây bông vải của cả nước nói chung, ở các tỉnh phía Bắc nói riêng bị sụt giảm mạnh bởi một số nguyên nhân: i) giá bông trên thị trường giảm sâu so với những niên vụ trước, ii) do sự cạnh tranh gay gắt của một số cây trồng ngắn ngày khác như ngô, sắn, dong riềng, đậu đỗ, iii) sự chuyển dịch cây trồng mạnh mẽ từ cây ngắn ngày sang cây dài ngày như cây ăn quả: bưởi, cam, quýt, vải, nhãn… dẫn đến diện tích đất canh tác cây ngắn ngày bị thu hẹp dần.
Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có điều kiện thuận lợi cho sản xuất cây bông vải. Trong những năm gần đây huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã mở rộng trồng thêm một số loại cây ăn quả có múi như bưởi, cam, quýt... Năm 2018, tại tỉnh Bắc Giang diện tích cây có múi tăng mạnh với tổng diện tích khoảng 7.400 ha (trong đó cam 3.800 ha, tăng 1.300 ha so với năm 2016; bưởi 3.500 ha, tăng 1.400 ha so với năm 2016; cây có múi khác gần 1000 ha, tăng 1.300 ha so với năm 2016). Đặc biệt là cây bưởi có diện tích trồng mới tăng nhanh. Những vườn cây này đang ở giai đoạn trồng mới, ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây ăn quả chưa khép tán, giữa các hàng cây còn trống nên việc đưa cây bông trồng xen trong vườn cây ăn quả trồng mới vừa nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm bớt công làm cỏ đồng thời tăng thêm thu nhập, góp phần “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Để ổn định và mở rộng diện tích trồng cây bông vải thì ngoài việc thâm canh nâng cao năng suất bông trồng thuần thì cần thiết phải mở rộng diện tích bông trồng xen với một số cây trồng ngắn ngày, cây lâm nghiệp, cây ăn quả... trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Việc trồng bông xen với cây ăn quả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản không chỉ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có mà còn tạo việc làm và tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân. Việc trồng xen canh các loài cây có bộ rễ phát triển nông và sâu để điều hoà dinh dưỡng và giữ độ tơi xốp của đất. Xen canh hợp lý còn có tác dụng chống tích tụ nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng và tăng hệ số sử dụng đất đạt hiệu quả.
Xuất phát từ những lý do trên nhóm nghiên cứu Công ty Cổ phần Bông và phát triển nông nghiệp Công nghệ cao do KS. Phan Quốc Hiển đứng đầu đã đề xuất và được giao triển khai triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu trồng xen cây bông trong vườn cây ăn quả ở thời kỳ kiến thiết cơ bản tại Bắc Giang” nhằm mở rộng diện tích bông trồng xen ở những vườn cây ăn quả. Cụ thể: Xác định giải pháp kỹ thuật trồng cây bông xen trong vườn cây ăn quả trong thời kỳ kiến thiết cơ bản có hiệu quả kinh tế tại Bắc Giang; Xây dựng được mô hình thực nghiệm; Xây dựng Bản hướng dẫn kỹ thuật trồng bông xen trong vườn cây bưởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản tại Bắc Giang.
Sau một thời gian triển khai, đề tài thu được những kết quả như sau:
1. Trồng cây bông xen trong vườn cây bưởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản không ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây bưởi mà còn cho thêm một phần thu nhập kể cả công khá cao (bông xen bưởi 1 - 2 năm tuổi: đạt từ 14,704 triệu đồng/ha - 19,379 triệu đồng/ha, tương ứng 69,5% - 91,6% thu nhập của bông trồng thuần; bông xen bưởi 3 - 4 năm tuổi: đạt từ 10,5 triệu đồng/ha - 16,263 triệu đồng/ha tương ứng 49,6% - 76,8% thu nhập của bông trồng thuần)
- Trồng cây bông xen trong vườn cây bưởi 1 - 2 năm tuổi (xen 4 hàng bông giữa 2 hàng bưởi, hàng bông trồng cách hàng bưởi 0,8m, bón phân với lượng 120 kg N + 60 kg P2O5 + 90 kg K2O/ha) cho năng suất: 1.956 kg/ha, lãi thuần: 5,992 triệu đồng/ha và thu nhập kể cả công: 19,792 triệu đồng/ha (tương ứng 93,5% thu nhập của bông trồng thuần).
- Trồng cây bông xen trong vườn cây bưởi 3 - 4 năm tuổi (xen 2 hàng bông giữa 2 hàng bưởi, hàng bông trồng cách hàng bưởi 1,6m, bón phân với lượng 120 kg N + 60 kg P2O5 + 90 kg K2O/ha) cho năng suất: 1.549 kg/ha, lãi thuần: 4,867 triệu đồng/ha và thu nhập cả công: 17,167 triệu đồng/ha, tương ứng 81% thu nhập của bông trồng thuần.]
2. Kỹ thuật điều khiển tái sinh cây bông trồng xen trong vườn cây bưởi 1- 2 năm tuổi:
- Trồng 4 hàng bông xen giữa 2 hàng bưởi, hàng bông cách hàng bưởi 0,8m, bón phân và chất giữ ẩm với lượng (150 kg N + 60 kg P2O5 + 75 kg K2O + 40 kg AMS-1)/ha, năng suất bông đạt 2.009 kg/ha, lãi thuần: 4,04 triệu đồng/ha và thu nhập cả công cao 18,44 triệu đồng/ha (tương ứng 87% thu nhập của bông trồng thuần, cách bón như sau:
+ Bón lót: 60 kg P2O5 + 24 kg N + Bón thúc lần 1: 48 kg N + 24 kg K2O, bón 35 NSG
+ Bón thúc lần 2: 48 kg N + 36 kg K2O + 40 kg AMS-1, bón 55 NSG
+ Bón thúc lần 3: 30 kg N + 15 kg K2O/ha, bón 80 NSG
3. Mô hình trồng bông xen trong vườn bưởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản từ 1 - 4 năm tuổi, áp dụng kỹ thuật mới: bón phân, chất giữ ẩm với lượng: 150 kg N + 60 kg P2O5 + 75 kg K2O/ha + 40 kg AMS1/ha cho năng suất 1.639 - 1.947 kg/ha chiếm 78,1 - 92% năng suất của bông trồng thuần:
- Mô hình trồng bông xen bưởi 1 - 2 năm tuổi (mật độ bông 4 - 4,2 vạn cây/ha): Năng suất bông đạt 1.947 kg/ha, vượt 362 kg/ha (vượt 22,8%) so với năng suất bông trồng xen bưởi 1 - 2 năm tuổi, áp dụng qui trình đại trà; Lãi thuần đạt 5,328 triệu đồng/ha vượt 2,044 triệu đồng/ha so với lãi thuần của bông trồng xen bưởi, qui trình đại trà; Thu nhập kể cả công đạt 19,578 triệu đồng/ha (tương ứng 85,9% thu nhập của bông trồng thuần), vượt 2,644 triệu đồng/ha (vượt 15,6%) so với thu nhập kể cả công của 1 ha bông xen bưởi, qui trình đại trà (đ/c - 1).
- Mô hình bông trồng xen bưởi 3 - 4 năm tuổi (mật độ bông 2 - 2,3 vạn cây/ha): Năng suất bông đạt 1.639 kg/ha, vượt 245 kg/ha (vượt 17,6% ) so với năng suất bông trồng xen bưởi 3 - 4 năm tuổi, qui trình đại trà; Lãi thuần đạt 5,491 triệu đồng/ha vượt 1,233 triệu đồng/ha (vượt 28,9%) so với lãi thuần của bông trồng xen bưởi đại trà; Và thu nhập kể cả công đạt 18,541 triệu đồng/ha (tương ứng 81,4% thu nhập của bông trồng thuần), vượt 1,983 triệu đồng/ha (vượt 12%) so với thu nhập kể cả công của 01 ha bông trồng xen bưởi, qui trình đại trà (đ/c - 1).
Đề tài mong muốn sớm chuyển giao cho nông dân Bản hướng dẫn kỹ thuật trồng bông xen trong vườn cây bưởi ở giai đoạn kiến thiết cơ bản đạt hiệu quả.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/