Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 22-08-2023

Giải pháp xử lý các vấn đề khác biệt giữa quy định về kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp trong điều kiện áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam

Các quy định về kế toán, tài chính và thuế là vấn đề luôn được quan tâm cả ở góc độ quản lý vĩ mô và vi mô. Nhận thức đầy đủ về mối quan hệ, trọng tâm là các vấn đề khác biệt, giữa các quy định về kế toán, tài chính và thuế trong bối cảnh hội nhập là cơ sở quan trọng để những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo và người làm kế toán ở các doanh nghiệp có thể hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện một cách phù hợp.

Ở Việt Nam, các vấn đề khác biệt giữa quy định về kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp có những diễn biến khá phức tạp gắn liền với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế tập trung - kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong tiến trình đó, các quy định về kế toán, tài chính và thuế của Việt Nam không ngừng được đổi mới, hoàn thiện. Về phương diện kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành và áp dụng qua gần 15 năm, vì vậy Chính phủ đã xây dựng đề án triển khai áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế vào công tác kế toán đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam. Về phương diện quy định tài chính và thuế, nhiều quy định được ban hành, sửa đổi bổ sung gần đây cũng ghi nhận những bước tiến quan trọng trong. Tuy nhiên, có thể nhận thấy quan điểm xử lý mối quan hệ này, trong đó trọng tâm là xử lý các vấn đề khác biệt, chưa thực sự nhất quán và thực hiện theo tiến trình và lộ trình khác nhau, hướng tới những mục tiêu khác nhau. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Học viện tài chính do PGS.TS. Mai Ngọc Anh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Giải pháp xử lý các vấn đề khác biệt giữa quy định về kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp trong điều kiện áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam”.

Đề tài được nghiên cứu nhằm hệ thống hóa lý luận về xây dựng khung pháp lý về kế toán, tài chính và thuế; các mô hình xử lý mối quan hệ giữa quy định về kế toán, tài chính, thuế đối với doanh nghiệp; các nhân tố tác động đến sự khác biệt giữa các quy định này. Đồng thời đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các vấn đề khác biệt giữa các quy định về kế toán, tài chính và thuế theo thông lệ kế toán quốc tế và những bài học đối với Việt Nam

Với mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, đề tài đã đạt được các kết quả chủ yếu sau:

- Nghiên cứu tổng quan về các quy định kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp. Trong đó đề cập đến các yếu tố cấu thành; mục tiêu và cách tiếp cận xây dựng khuôn khổ quy định liên quan.

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết về sự khác biệt giữa các quy định kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp. Cơ sở lý thuyết được phân tích bao gồm: phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa các quy định về kế toán, tài chính và thuế; nghiên cứu các mô hình lý thuyết về mối quan hệ giữa các quy định này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra 5 mô hình cơ bản được các nhà nghiên cứu thừa nhận. Đồng thời, chỉ ra xu hướng chung các quốc gia hiện nay xử lý mối quan hệ giữa các quy định này theo mô hình hỗn hợp.

- Phân tích khung lý thuyết về những vấn đề khác biệt cơ bản giữa các quy định tài chính, thuế và kế toán. Trong đó phân tích sự khác biệt từ mục tiêu, nguyên tắc xây dựng các quy định cho đến sự khác biệt cụ thể mang tính kĩ thuật. Đề tài tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các vấn đề khác biệt giữa các quy định kế toán, tài chính, thuế ở một số quốc gia và có một số tổng kết bài học cho việt Nam

- Nghiên cứu thực trạng vấn đề thông qua nghiên cứu mối quan hệ giữa các quy định tài chính, kế toán và thuế đối với doanh nghiệp trong hai giai đoạn gồm: giai đoạn từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến trước khi ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (2005) và giai đoạn sau khi Việt Nam ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán đến nay. Từ đó, phân tích, nhận diện rõ các vấn đề khác biệt chủ yếu giữa các quy định này trong từng giai đoạn.

- Khảo sát việc các doanh nghiệp lựa chọn xử lý các mối quan hệ giữa các quy định về kế toán tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp; đánh giá việc lựa chọn các chính sách kế toán khi có sự khác biệt giữa các quy định về kế toán, tài chính, thuế đối với doanh nghiệp.

- Phân tích và khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tiếp tục hội nhập sâu, hội nhập một cách chủ động vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, hội nhập về lĩnh vực tài chính, kế toán và thuế là một trọng tâm. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, tài chính và thuế đối với doanh nghiệp được đặt ra như những nhiệm vụ cấp bách trong hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nói chung. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã công bố đề án áp dụng hệ thống báo cáo tài chính tại Việt Nam bao gồm lộ trình áp dụng chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam trên cơ sở tiếp thu cao nhất các thông lệ kế toán quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Từ những kết quả trên, đề tài phân tích, dự báo những vấn đề khác biệt chủ yếu giữa các quy định về kế toán, tài chính và thuế trong điều kiện áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp xử lý các vấn đề khác biệt giữa các quy định kế toán, tài chính, thuế. Các giải pháp này hướng tới 2 nhóm vấn đề khác biệt: (1) các vấn đề khác biệt có thể dung hòa được; và (2) các vấn đề khác biệt không thể dung hòa được.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18691/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 176
Tổng lượt truy cập: 3.266.429
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.