Ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi
Ứng dụng khoa học công nghệ là một mục tiêu quan trọng của “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015. Trong đó, tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Chương trình đặt mục tiêu rất cụ thể, có thể “đong đo” được cho 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân; Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
Giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng được ít nhất 1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến; Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có ít nhất 20% công nghệ cao; Đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông dân; Có ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2016-2020 đã xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân; Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng, miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đã giúp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao...; góp phần giải quyết lao động nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc ít người.
Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các Mục tiêu và nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án của Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa ban thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc ít người. Kết quả Chương trình đã được duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù được các bộ, ngành trung ương và ngân sách nhà nước hỗ trợ, với tinh thần “phát huy được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” như Quyết định số 1747/QĐ-TTg, các tỉnh miền núi cũng chủ động hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng miền.
Điển hình như Hà Giang có trên 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và sự phát triển KT – XH của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là 1 trong 3 đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Từ đó, đã xác định việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học nông nghiệp với các hộ nông dân vùng cao là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trong 5 năm qua, Hà Giang đã triển khai 36 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trong đó có 21 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và 15 mô hình chăn nuôi tại các xã điểm. Đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) tập trung phát triển các mô hình trồng cỏ gắn với chăn gia súc hàng hóa; mô hình trồng rau, hoa sạch; các mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và nuôi ong. Đối với 2 huyện vùng cao phía tây (Hoàng Su Phì và Xín Mần) tập trung vào các mô hình chăn nuôi trâu, lợn đen, trồng và chế biến chè, cây dược liệu và đậu tượng. Đối với các huyện vùng thấp (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và thành phố Hà Giang) tập trung triển khai các mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và phát triển lúa, ngô, rau hàng hóa. Các huyện nói trên đều có các xã thuộc danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Kon Tum, địa hình chủ yếu là đồi núi, chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên, với gò đồi, núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp, có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, riêng phía Bắc có độ cao từ 800 mét - 1.200 mét đã chọn việc phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm các vùng trồng dược liệu gắn với ngành công nghiệp chế biến, với chủ thể nòng cốt tham gia là người dân và các thành phần kinh tế trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra cơ cấu sản phẩm đa dạng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Kon Tum đề ra một loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu. Cụ thể, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là các cơ quan chuyên ngành và các địa phương có tiềm năng, lợi thế về dược liệu phải đưa chủ trương về ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu vào Chương trình công tác và Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm sát, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để tạo sự đột phá, sớm đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho địa phương; Củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý về dược liệu; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển dược liệu cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về dược liệu theo hướng bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng, đất rừng để trồng các loại dược liệu theo quy định của pháp luật. Quản lý, bảo tồn hiệu quả các nguồn giống dược liệu địa phương có giá trị. Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.
Kon Tum triển khai thực hiện trồng sâm gần 17.000 ha tại 5 xã của huyện Tu Mơ Rông và 3 xã thuộc huyện Đăk Glei - là những huyện có các xã thuộc danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân trong xã của 2 huyện nói trên đã lấy hạt sâm dây từ rừng về trồng trong nương rẫy của gia đình. Điều thuận lợi là sâm dây rất thích hợp với hình thức trồng xen và không hề ảnh hưởng tới cây trồng chính.
https://vista.gov.vn/v