Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-09-2023

Nghiên cứu một số giải pháp công nghệ để dự phòng bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết Dengue

Việt Nam có nhiều đô thị lớn với mật độ dân cư đông đúc, là nơi có nhiều điều kiện cho muỗi Aedes phát triển, từ đó dẫn tới khả năng lây truyền bệnh do nhóm muỗi. Ngoài tổn hại tới sức khỏe, sốt xuất huyết Dengue còn gây tốn kém về chi phí và tác động tới khả năng lao động của các bệnh nhân. Việc phòng chống các bệnh do Aedes truyền không chỉ có ý nghĩa về mặt y tế mà còn mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế - xã hội. Một trong những biện pháp quan trọng được áp dụng trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue cũng như các bệnh khác do muỗi Aedes truyền là phòng chống muỗi, bao gồm việc diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành và phòng chống muỗi đốt. Tuy nhiên, điều khó khăn trong công tác phòng chống muỗi là sự biến động của muỗi về mọi mặt, đặc biệt là sự thay đổi về khu vực phân bố, về tập tính muỗi, thậm chí thay đổi cả về sự nhạy cảm của muỗi đối với các loại hóa chất xua diệt. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Huế và Cần Thơ là những thành phố năng động, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ dẫn tới thay đổi căn bản các yếu tố sinh địa cảnh của muỗi Aedes.

Sự biến động dân cư theo xu thế tập trung đông đúc ở các khu thương mại và các khu công nghiệp cũng tác động không nhỏ tới sự phân bố của muỗi. Bên cạnh đó, sự thay đổi về kết cấu nơi ở, về thói quen sinh hoạt của con người cũng góp phân không nhỏ vào sự biến động của muỗi Aedes. Xu hướng của thế giới là tìm kiếm các loại tinh dầu tự nhiên có hoạt tính xua, diệt côn trùng, đặc biệt là trong phòng chống muỗi đốt nhằm thay thế các chất hóa học. Nhiều loại tinh dầu thực vật như: Sả, phong lữ thảo, đinh hương, khuynh diệp, bạc hà, quế… được báo cáo có tác dụng chống muỗi, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường.

Ở Việt Nam, cây phong lữ thảo thường được trồng như một loại cây cảnh và chống muỗi, tinh dầu phong lữ thảo được sử dụng để tạo mùi hương và cũng để chống muỗi. Tuy nhiên, chưa có hướng nghiên cứu sâu sắc về tác dụng chống muỗi của phong lữ thảo ở Việt Nam. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để người dân sử dụng tinh dầu phong lữ thảo nhằm chống muỗi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả sử dụng các loại bẫy, đèn bắt và diệt muỗi và bọ gậy, nhiều sản phẩm thương mại đang lưu hành trên thế giới đã kết hợp các loại chất dẫn dụ muỗi như bổ sung các nguồn phát CO2, các sản phẩm lên men từ nấm… Đặc biệt là việc sử dụng các chế phẩm từ thực vật để thu hút muỗi được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có các nghiên cứu về việc tạo các chế phẩm nguồn gốc thực vật để thu hút muỗi và ứng dụng làm tăng hiệu quả của các thiết bị dẫn dụ và diệt muỗi.

Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y do PGS. TS. Nguyễn Khắc Lực làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: Nghiên cứu một số giải pháp công nghệ để dự phòng bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã được các mục tiêu đề ra như sau:

1. Đã xác định được mật độ muỗi Aedes truyền virus Zika và virus sốt xuất huyết dengue ở Việt Nam. Bao gồm: Đặc điểm phân bố và tập tính của muỗi Aedes ở Hà Nội; Đặc điểm phân bố và tập tính của muỗi Aedes ở thành phố Hồ Chí Minh; Đặc điểm phân bố và tập tính của muỗi Aedes ở Đăk Lăk; Đặc điểm phân bố và tập tính của muỗi Aedes ở Thừa Thiên - Huế.

2. Đã xây dựng được quy trình điều chế chế phẩm xua diệt muỗi truyền virus Zika và virus sốt xuất huyết dengue có nguồn gốc từ thực vật.

- Xây dựng và thử nghiệm công thức phối trộn tối ưu các hợp chất xua, diệt.

+ Công thức phối trộn tối ưu các hợp chất xua, diệt muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus gồm 2 loại tinh dầu sả và phong lữ thảo với tỷ lệ 1:1 (v/v).

+ Công thức phối trộn có tác dụng xua cao nhất là sả 10%, phong lữ thảo 10% và dầu dừa 80%. Tác dụng xua muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus của công thức phối trộn với liều lượng bôi trên da là sả 0,1 µl/cm2 và phong lữ thảo 0,1 µl/cm2. Thời gian tác dụng xua muỗi của công thức phối trộn với liều lượng bôi trên da là sả 0,1 µl/cm2, phong lữ thảo 0,1 µl/cm2 và dầu dừa 1.8 µl/cm2.

+ Công thức phối trộn có tác dụng diệt muỗi cao nhất là 0,28 µl/cm2 giấy thấm, trong đó thành phần sả 0,14 µl/cm2 giấy thấm và phong lữ thảo 0,14 µl/cm2 giấy thấm.

3. Đã xây dựng được quy trình điều chế chế phẩm dẫn dụ để diệt muỗi, bọ gậy.

- Điều chế các chế phẩm diệt bọ gậy muỗi Aedes từ thực vật: Điều chế chế phẩm diệt bọ gậy Aedes từ cà Solanum nigrescens (Solanum nigrum L. var. nigrescens, Solanum nigrum).

- Điều chế các chế phẩm dẫn dụ muỗi: Điều chế chế phẩm dẫn dụ muỗi Aedes trưởng thành từ cỏ sữa Asclepias syriaca.

- Điều chế chế phẩm dẫn dụ muỗi Aedes trưởng thành từ cỏ mần trầu Eleusine indica.

4. Đã chế tạo được thiết bị sử dụng chế phẩm dẫn dụ và quy trình vận hành thiết bị sử dụng chế phẩm dẫn dụ để diệt muỗi và bọ gậy.

- Xây dựng bản thiết kế và dự thảo quy trình chế tạo thiết bị sử dụng chế phẩm dẫn dụ để diệt muỗi và bọ gậy.

- Đánh giá kết quả ứng dụng các thiết bị sử dụng chế phẩm dẫn dụ để diệt muỗi và bọ gậy trong cộng đồng.

Đề tài mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu xác định các thành phần chính có hoạt chất xua, diệt muỗi trong các loại tinh dầu (sả, tràm, phong lữ thảo, hương thảo, gừng và bạc hà); các thành phần chính có hoạt chất bọ gậy muỗi trong các chế phẩm tách chiết từ thực vật (cà Solanum, bìm bìm, đàn hương). Tiếp tục nghiên cứu tác dụng của các chế phẩm từ thực vật, công dụng của các thiết bị diệt muỗi và bọ gậy trên các loài muỗi có vai trò y học ở Việt Nam, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng trên quy mô lớn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18552/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 300
Tổng lượt truy cập: 4.027.609
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!