Nghiên cứu quản lý tổng hợp (IPM) sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu (Chilo tumidicostalis) và bệnh trắng lá mía (Phytoplasma) ở Việt Nam
Mía (Saccharum officinarum L.) là cây công nghiệp quan trọng của ngành công nghiệp mía đường tại Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam, mía được trồng nhiều và tập chung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và hình thành nhiều vùng nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp mía đường. Mía là cây trồng một lần nhưng lại có khả năng cho thu hoạch nhiều vụ, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tích lũy, phát triển và gây hại. Mặt khác, khi cơ cấu giống mía ngày càng phong phú, trình độ thâm canh cao và điều kiện thời tiết biến động đã góp phần làm cho thành phần sâu bệnh hại đa dạng hơn. Trong quá trình sinh trưởng phát triển, mía thường bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại và gây ra tổn thất lớn về năng suất và phẩm chất. Khi sâu bệnh gây hại nặng, nhiều ruộng mía không cho thu hoạch. Hiện nay tại một số vùng trồng mía nguyên liệu tại Khánh Hòa và Tây Ninh bị một số sâu bệnh hại nguy hiểm là bệnh trắng lá mía và sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu. Bệnh trắng lá mía được phát hiện lần đầu năm 1996 tại một số vùng trồng mía như Đồng Nai, Bình Thuận….
Hiện nay, bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng trồng mía trên cả nước, đặc biệt gây hại tại các vùng trồng mía ở Khánh Hòa, Tây Ninh, Gia Lai. Tại Khánh Hòa, niên vụ 2013-2014, bệnh trắng lá mía gây hại trên giống Suphanburi 7, K95-156, K93-219, Uthong 1 với diện tích nhiễm bệnh trên 1.173,9 ha. Bệnh có triệu chứng điển hình lá non bị trắng hoàn toàn, cây thấp lùn, không phát triển được, sau đó bị khô và chết. Bệnh gây hại trên nhiều giống mía, làm sụt giảm năng suất nghiêm trọng, gián tiếp làm giảm thu nhập của người dân trồng mía. Nhiều diện tích mía bị nhiễm bệnh nặng phải phải tiêu hủy toàn bộ ruộng mía. Năm 2014, lần đầu tiên được ghi nhận sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu, tại vùng trồng mía ở Tây Ninh với diện tích gây hại trên 9.000 ha. Khi bị sâu hại, ngọn mía bị héo và chết khô rất nhanh. Sâu đục thân mía gây hại hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của mía. Đặc biệt ở giai đoạn vươn lóng - chín, cây mía không có khả năng phục hồi dẫn đến thiệt hại về năng suất và chất lượng. Theo đánh giá ban đầu, sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu có khả năng phát sinh nhanh và gây hại tập thể. Một cây mía bị hại có thể lên đến 50-60 sâu non/cây. Ngoài ra, khi cây mía bị sâu gây hại rất dễ bị bệnh thối đỏ xâm nhiễm, nên không chỉ năng suất mà chất lượng mía cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu không được kiểm soát sớm sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và hàm lượng đường trong cây mía.
Để có cơ sở cho các biện pháp quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía và sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu, Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do ThS. Mai Văn Quân làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quản lý tổng hợp sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu (Chilo tumidicostalis) và bệnh trắng lá mía (Phytoplasma) ở Việt Nam” nhằm xây dựng qui trình quản lý tổng hợp sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu (Chilo tumidicostalis) và bệnh trắng lá mía (phytoplasma) có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Cụ thể: Nghiên cứu qui luật phát sinh, phát triển và mức độ gây hại của sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu và các biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả và thân thiện với môi trường; Xác định chính xác tác nhân gây bệnh trắng lá mía, phương thức lan truyền, quy luật phát sinh phát triển của bệnh trắng lá mía và các biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả và thân thiện với môi trường; Xây dựng quy trình quản lý tổng hợp (IPM) sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu và bệnh trắng lá mía tại các vùng trồng.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (06/2016 - 11/2020)
1. Sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu chỉ xuất hiện tại một số vùng trồng mía nguyên liệu tại Tây Ninh; bệnh trắng lá mía xuất hiện và gây hại ở các vùng trồng mía nguyên liệu ở Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai, Tây Ninh. Chưa ghi nhận bệnh trắng lá mía tại các vùng trồng mía ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa;
2. Ở điều kiện nhiệt độ trung bình 28,3oC và độ ẩm 85,3%, SĐTMBVĐN có vòng đời là 61,3 ngày. Sâu thường gây hại tập thể và đục ăn trong khoảng 3-5 đốt mía gần ngọn. Cây mía bị hại sau khoảng 5-7 ngày ngọn sẽ bị héo, khô; Trong năm có 2 đỉnh cao vào cuối tháng 6 và trung tuần tháng 9; Sâu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chân đất, mùa vụ, tuổi mía; hầu hết các giống mía đang được trồn tại Tây ninh đều nhiễm SĐTMBVĐN;
3. Bệnh trắng lá mía gây hại tại Khánh Hòa do phytoplasma gây ra thuộc nhóm 16SrXI. Bệnh trắng lá mía lan truyền chủ yếu bằng hom giống nhiễm bệnh trên đồng ruộng, loài rầy Matsumuratettix hiroglyphicus có vai trò thứ yếu là môi giới truyền phytoplasma. Bệnh trắng lá mía xuất hiện và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của mía, giai đoạn mọc mầm/tái sinh và đẻ nhánh là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh trắng lá mía; Bệnh trắng lá mía bị ảnh hưởng bởi yếu tố chân đất, 39 tuổi mía nhưng không bị ảnh hưởng bởi mùa vụ; Các giống mía trồng tại vùng mía nguyên liệu tại Khánh hòa đều bị nhiễm bệnh trắng lá;
4. Biện pháp thủ công (cắt/hủy và bóc lá), canh tác (tiêu úng, tưới nước bổ sung, bón phân) có hiệu quả giảm khả năng gây hại của SĐTMBVĐN; 4 giống mía có tính kháng tốt sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu là K84-200, KK3, K95-156 và K88-200, trong đó giống có triển vọng cao là KK3; Sử dụng ong mắt đỏ Trichogramma chilonis Ishii và bọ đuôi kìm Euborellia annulipes Lucas có hiệu quả phòng trừ SĐTMBVĐN; Thuốc BVTV Dupont Prevathon 5SC, Regent 5SC có hiệu quả phòng trừ tốt SĐTMBVĐN ở Tây Ninh.
5. Biện pháp sử dụng giống sạch bệnh, tưới nước và xử lý nhiệt có hiệu quả cao trong quản ý bệnh trắng lá mía, trong đó nhiệt độ phù hợp xử lý nhiệt là 50oC (2 giờ) và chuyển sang tetracycline HCl 500ppm (1 giờ); Sử dụng thuốc BVTV hóa học phòng trừ môi giới nên áp dụng khi ruộng mía có tỷ lệ bệnh trắng lá ở giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh >30% và phát hiện có môi giới truyền bệnh trắng lá (loài M. hiroglyphicus) trên đồng ruộng trước khi tiêu hủy toàn bộ ruộng mía bị bệnh;
6. Mô hình quản lý tổng hợp (IPM) SĐTMBVĐN niên vụ 2018-2019 và 2019- 2020 tại Tây Ninh cho năng suất quy ra 10 CCS đạt 127,52-134,63 tấn/ha và 107,57- 116,05 tấn/ha vượt 33,50-39,91% và 40,10-45,75%. Lãi thuần đạt 19,039-23,486 triệu đồng/ha vượt đối chứng 60,62-99,44% và 34,527-47,423 triệu đồng/ha vượt đối chứng 39,07-47,33%; Mô hình quản lý tổng hợp (IPM) bệnh trắng lá mía niên vụ 2018-2019 và 2019-2020 tại Khánh Hòa và Tây Ninh cho năng suất quy ra 10 CCS đạt 81,06- 81,09 tấn/ha và 62,94-94,17 tấn/ha vượt 23,21-25,20% và 29,18-44,32%. Lãi thuần niên vụ 2018-2019 là 14,561-14612 triệu đồng/ha vượt đối chứng 49,38-95,70 %, niên vụ 2019-2020 là 9,889 - 32,316 triệu đồng/ha vượt đối chứng 59,20-99,24%.
Nhóm nghiên cứu mong được công nhận kết quả nghiên cứu và áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất sớm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19807/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/