Nghiên cứu phát triển nền tảng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước
Nhằm nghiên cứu phát triển phương pháp và xây dựng được hệ thống nền tảng với các chức năng như thu thập được log tương tác của người dùng với cổng TTĐT (cụ thể là các trang Web của cổng), có thể phục vụ nhiều cổng thông tin, và có tính khả mở; phân tích hành vi người dùng dựa trên dữ liệu log và hiển thị trực quan kết quả; phân tích được nội dung ngữ nghĩa có trên thông tin trên cổng để xác định đối tượng quan tâm; sử dụng các kỹ thuật khuyến nghị cho phép dự đoán nhu cầu thông tin của người dùng/nhóm người dùng nhằm cá nhân hoá thông tin cung cấp, cải thiện trải nghiệm người dùng; xây dựng được biểu diễn thích hợp cho văn bản pháp quy phục vụ tra cứu theo ngữ nghĩa.
Trên cơ sở đó xây dựng tính năng tra cứu văn bản pháp quy theo ngữ nghĩa và trả lời một số dạng câu hỏi thường gặp về quy phạm pháp luật có các plugin/API cho phép tích hợp nền tảng với các cổng thông tin điện tử đang hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như đánh giá được hiệu quả của nền tảng thông qua thử nghiệm trên ít nhất 2 cổng thông tin điện tử (một cổng cấp bộ ngành, một cổng cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), PGS.TS. Từ Minh Phương cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển nền tảng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”.
Sau một thời gian thực hiện đề tài theo Hợp đồng (từ tháng 7/2019 đến hết tháng 12/2020), nhóm đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung công việc đặt ra trong thuyết minh, trừ việc không tổ chức được đoàn đi Nhật do dịch bệnh Covid 19. Nhóm đề tài đã khắc phục bằng cách làm việc từ xa với đối tác bên Nhật. Kết quả, nhóm đề tài đã hoàn thành tất các các sản phẩm đăng ký, bao gồm phần mềm, công bố khoa học, đào tạo sau đại học và công bố khoa học.
Nhóm đề tài đã đề xuất một số giải pháp mới cho các nội dung về phân tích log, sinh khuyến nghị, phân tích văn bản pháp quy, hỏi đáp và tìm kiếm văn bản quy phạm pháp luật. Các giải pháp này có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng công nghệ học máy, đặc biệt là các mô hình học sâu hiện đại. Trình độ khoa học công nghệ của các giải pháp đề xuất được minh chứng qua các công bố tại các tạp chí SCIE nhóm Q1 và hội nghị quốc tế uy tín.
Giải pháp đề xuất trong phạm vi đề tài có thể mở rộng áp dụng cho các dịch vụ trực tuyến và xử lý văn bản tiếng Việt nói chung. Bên cạnh các giải pháp khoa học, kết quả đề tài đã được cài đặt dưới dạng phần mềm hoạt động ổn định, có các API dưới dạng dịch vụ Web cho phép dễ dàng triển khai và tích hợp với các dịch vụ trực tuyến. Sản phẩm phần mềm được phân tích thiết kế và mô tả theo các chuẩn về phần mềm, tài liệu được cung cấp đầy đủ trong các báo cáo của đề tài.
Kết quả về nền tảng phần mềm do nhóm đề tài xây dựng đã được triển khai thử nghiệm thực tế tại cổng TTĐT Bộ Khoa học và Công nghệ và cổng TTĐT Quảng Nam, cho kết quả tốt, đạt yêu cầu như đăng ký.
Sản phẩm chính của đề tài là nền tảng công nghệ thông tin phục vụ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được nghiên cứu, phát triển và triển khai thử nghiệm thành công tại 2 đơn vị phối hợp là Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và Công nghệ, và Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Nam. Để sản phẩm của đề tài có thể tiếp tục cải tiến, phát triển và triển khai ứng dụng có hiệu quả trong thực tế sau khi đề tài được nghiệm thu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông kiến nghị: Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giao tài sản là kết quả của quá trình triển khai thực hiện đề tài (nền tảng công nghệ thông tin phục vụ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ) cho tổ chức chủ trì đề tài (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) quản lý và sử dụng; Cho phép chỉnh sửa, tối ưu hóa sản phẩm của đề tài phù hợp với quy mô ứng dụng thực tế và bước đầu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho cổng thông tin điện tử tại Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Nam. Nếu việc triển khai ứng dụng bước đầu thành công tại Quảng Nam sẽ mở ra khả năng ứng dụng sản phẩm của đề tài vào thực tế tại các Bộ, ngành địa phương trong cả nước.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19013/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/