Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 18-01-2024

Sản xuất chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB phòng trừ nấm bệnh hại rễ cây chè và cà phê vùng miền núi phía Bắc

Chè là cây trồng phổ biến ở hầu hết các tỉnh trung du, miền núi nước ta. Diện tích chè cả nước hiện nay khoảng 123.000 ha, phần lớn tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Cây cà phê chè phù hợp với đất đai ở các tỉnh vùng Tây Bắc, hiện nay cây cà phê chè đã trở thành cây làm giầu ở một số tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên. Đến cuối năm 2017, diện tích cà phê chè hai tỉnh này khoảng 16.500 ha, trong đó Sơn La 12.000 ha, Điện Biên 4500 ha. Cây chè và cây cà phê chè thường xuyên có nhiều loại bệnh gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất, bệnh nặng còn làm chết cây, khô cành không thể ra hoa kết quả hoặc ra búp mới. Hầu hết các bệnh hại chè và cà phê do nấm gây ra. Phòng trừ bệnh chủ yếu dùng thuốc hóa học, các loại thuốc hóa học sử dụng phòng trừ bệnh có hiệu quả rất thấp. Sử dụng thuốc hóa học không những hiệu quả thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường và tồn dư trong sản phẩm. Hướng nghiên cứu sử dụng vi sinh vật đối kháng phòng trừ bệnh hại rễ chè và cà phê đã được chú trọng trong những năm gần đây. Trong số các vi sinh vật đối kháng, nấm Chaetomium đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học ở Thái Lan, loài này đối kháng mạnh mẽ với nhiều loài nấm gây bệnh, do vậy họ đã tạo ra chế phẩm trừ bệnh phổ rộng và sử dụng có hiệu quả cho nhiều loại cây trồng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm Chaetomium trừ nấm gây bệnh trên cây chè, cà phê và cao su” cho thấy, Fusarium là nấm gây bệnh hại rễ phổ biến trên cây chè và cà phê. Kết quả phân lập nấm Fusarium gây bệnh cho chè và cà phê đã xác định được một số loài như Fusarium oxysporum. Fusarium sp…. Chế phẩm Chaetomium CP2- VMNPB có hiệu lực cao trong phòng trừ bệnh hại rễ cây chè và cây cà phê khá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cấy, sản xuất, nhóm nghiên cứu nhận thấy các bước thực hiện còn mang tính thủ công, bào tử được sản xuất bằng việc chuyển trực tiếp phần môi trường và bào tử đĩa nấm gốc lên đĩa môi trường PDA. Quá trình nhân bào tử như vậy cần nhiều đĩa giống gốc ban đầu. Do vi sinh vật thường có đặc tính di truyền dễ bị biến đổi. Vì vậy, nếu quá trình cấy chuyển quá nhiều lần sẽ ảnh hưởng tới di truyền của giống. Mặt khác, quá trình tạo bào tử trực tiếp từ giống gốc ban đầu cần nhiều thời gian (25-30 ngày) để tạo bào tử. Bên cạnh đó, thời gian đánh giá hiệu quả của chế phẩm không nhiều. Xuất phát từ các vấn đề nêu trên nhóm nghiên cứu Viện Khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do TS. Nguyễn Hồng Chiên đứng đầu đã thực hiện Dự án Sản xuất chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB phòng trừ nấm bệnh hại rễ cây chè và cà phê vùng miền núi phía Bắc” nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất và ứng dụng chế phẩm Chaetmium CP2-VMNPB trên diện rộng.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

- Quy trình sản xuất chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB dễ hiểu, dễ áp dụng. Quy trình giúp rút ngắn thời gian tạo bào tử từ 25-30 ngày xuống còn 13-15 ngày. Quá trình tạo bào tử trên khay nhựa giúp giảm giá thành sản phẩm so với sử dung đĩa petri.

- Đã sản xuất thử nghiệm chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB với số lượng 2000 lít chế phẩm có mật độ bào tử đạt 3,6 x 106 cfu/ml; 6 chỉ tiêu độc cấp tính của chế phẩm đều an toàn ở mức cho phép, hiệu quả trừ bệnh đạt 80,3% đến 82,35%.

- Đã xác định được liểu lượng sử dụng chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB trừ bệnh rễ cho chè và cà phê chè: 1,5- 2,0 lít/ha, phun 4-6 lần/năm vào những ngày mưa ẩm cho hiệu quả tốt.

- Đã xây dựng 6 mô hình áp dụng chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB trên cây chè và cà phê chè. Hiệu lực trừ bệnh thối rễ trung bình trong 2 năm 2018-2019 trên nương chè đạt 81,81% và trên cà phê chè đạt 81,24%. Năng suất trên nương chè có ứng dụng chế phẩm trong 2 năm tăng so với đối chứng dao động từ 14,8% đến 27,37% và trên cây cà phê chè trong 2 năm cũng tăng so với đối chứng dao động từ 14,5% đến 22,22%.

- Đào tạo 3 lớp với 66 người vận hành thành thạo quy trình sản xuất chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB; tập huấn 6 lớp với 188 nông dân nắm vững kỹ thuật sử dụng chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB phòng trừ bệnh thối rễ bởi Fusarium spp. trên cây chè và cây cà phê chè.

- Chế phẩm đã được công nhận là thuốc bảo vệ thực vật theo quyết định số 2826 QĐBVTV ngày 30 tháng 12 năm 2020.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19374/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 316
Tổng lượt truy cập: 3.260.840
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.