Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 05-02-2024

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PET/CT và sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư thực quản

Ung thư thực quản là loại u ác tính có tiên lượng nặng và tỉ lệ tử vong cao. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), trong năm 2018, ung thư thực quản đứng thứ 7 trong số các bệnh ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, ung thư thực quản nằm trong số 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán cũng như điều trị bệnh, tuy nhiên cho đến nay đây vẫn là loại ung thư có tiến triển nhanh, tiên lượng kém với tỉ lệ tử vong cao.

Phương pháp điều trị ung thư thực quản phụ thuộc chủ yếu vào vị trí tiên phát của khối u và giai đoạn của bệnh. Trong đó chẩn đoán ung thư ban đầu thường dựa vào nội soi, siêu âm nội soi và CT. PET/CT được sử dụng ngày càng nhiều trong giai đoạn đầu của ung thư thực quản và đóng vai trò bổ sung với các phương pháp khác vai trò chủ yếu của nó là xác định giai đoạn bệnh, đánh giá đáp ứng với điều trị. Mặc dù phương pháp này được áp dụng rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên đây là phương pháp còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đặc biệt cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện nào về ứng dụng kỹ thuật này trong chẩn đoán ung thư thực quản tại Việt Nam.

Vì vậy nghiên cứu và xây dựng một quy trình ứng dụng kỹ thuật PET/CT chuẩn là vô cùng quan trọng và cấp thiết phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị ung thư thực quản tại Việt Nam. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều gen đột biến liên quan đến ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư tế bào vảy (ESCC). Tỷ lệ đột biến cao nhất là ở trong gen TP53 (59% - 93%). Do vậy, đột biến trên gen TP53 được dự đoán là yếu tố chính trong quá trình phát triển ESCC. Với công nghệ NGS ngày càng phát triển, sử 2 dụng công nghệ NGS để tìm ra các đột biến liên quan chặt ch đến bệnh ngày càng được các phòng thí nghiệm sử dụng phổ biến. Gần đây, một số nhóm nghiên cứu đ bước đầu xây dựng các panel gen có liên quan để chẩn đoán sớm bệnh ESCC. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xác định các đột biến (đột biến điểm và InDel) liên quan đến bệnh ung thư thực quản để bước đầu xác định các gen đột biến tập trung ở bệnh nhân ESCC phục vụ xây dựng quy trình chẩn đoán sớm.

Theo khuyến cáo của NCCN 2015 thì hóa xạ trị đồng thời phác đồ FOLFOX đang là lựa chọn hàng đầu cho ung thư thực quản không còn chỉ định phẫu thuật. Những bệnh nhân có biểu hiện quá mức HER-2 trong ung thư thực quản thường có đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường và có tỉ lệ tái phát cao, sử dụng kháng thể đơn dòng trastuzumab kháng chọn lọc HER-2 đang có hiệu quả tích cực trong điều trị ung thư dạ dày, và gần đây cũng được thử nghiệm ở pha III ở một số trung tâm điều trị ung thư thực quản trên thế giới và bước đầu cho kết quả khả quan. Việc tiếp cận điều trị ung thư thực quản sử dụng phác đồ FOLFOX hay điều trị đích bằng trastuzumab tại Việt Nam là hướng mới và hứa hẹn kết quả tích cực.

Nhằm xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong chẩn đoán bệnh ung thư thực quản; quy trình xác định các đột biến liên quan đến bệnh ung thư thực quản bằng phương pháp phân tích toàn bộ hệ gen biểu hiện; quy trình điều trị bệnh nhân ung thư thực quản không có chỉ định phẫu thuật, GS. TS. Trần Viết Tiến và nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PET/CT và sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư thực quản”.

Qua quá trình nghiên cứu tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhóm nghiên cứu rút ra được một số kết luận như sau:

1. Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong chẩn đoán giai đoạn, xác định các thể tích cần chiếu xạ và lập kế hoạch xạ trị trong ung thư thực quản

+ Kết quả 18FDG PET/CT phát hiện 29/32 (90,6%) bệnh nhân có hạch, phát hiện di căn xa thêm ở 7 bệnh nhân. 18FDG PET/CT đã thay đổi chẩn đoán giai đoạn theo T ở 2/32 (6,3%) bệnh nhân, theo N ở 15/32 (46,8%) bệnh nhân. Kết quả chung sau chụp 18FDG PET/CT có 14/32 (43,7%) bệnh nhân thay đổi tăng giai đoạn (7/10 bệnh nhân (70%) ở giai đoạn I, II; 7/15 bệnh nhân (46,7%) ở giai đoạn III).

+ Trong xạ trị ở bệnh nhân ung thư thực quản, 18FDG PET/CT mô phỏng giúp xác định các thể tích điêu trị chính xác hơn so với CT mô phỏng đặc biệt là chiều dài u nguyên phát và thể tích xạ trị hạch. 18FDG PET/CT mô phỏng làm giảm thể tích chiếu xạ vào u ở 59,09% số bệnh nhân. So với CT, 18FDG PET/CT làm tăng phát hiện số lượng hạch ở 50% số bệnh nhân so với Ct và tăng thể tích xạ trị vào hạch ở 72,73% số bệnh nhân.

2. Đánh giá sự biến đổi gen ở bệnh nhân ung thư thực quản

Trong nghiên cứu thu được danh sách số lượng indel xảy ra trên 30 bệnh nhân ung thư thực quản với tổng số 1642 loại biến thể khác, chủ yếu thuộc loại nonframeshift, và một phần thuộc loại frameshift (deletion và insertion). Hoàn thiện được quy trình giải trình tự hệ gen biểu hiện để xác định các biến thể trên các gen có thể liên quan đến bệnh ung thư thực quản từ mẫu mô bệnh ung thư.

3. Điều trị ung thư thực quản không có chỉ định phẫu thuật hóa xạ trị, điều trị đích

+Hóa xạ trị đồng thời ung thư thực quản không có chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp xạ trị điều biến liều kết hợp hóa trị phác đồ FOLFOX cho kết quả đáp ứng khả quan, kéo dài thời gian sông toàn bộ, các tác dụng không 128 mong muốn chủ yếu độ I - II. Đáp ứng hoàn toàn 56,2%, đáp ứng một phần 34,4%. Trung vị thời gian sống thêm bệnh không tiến triển là 9,5 tháng.

+ Tối ưu quá trình nhuộm hóa mô miễn dịch thụ thể xác định HER-2 (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì). Về phân loại mô bệnh học: ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm tỷ lệ cao nhất là 92%. Ung thư biểu mô tuyến chiếm tỷ lệ thấp nhất là 2,7%. Về phân độ mô học: Phần lớn ung thư thực quản là ung thư biểu mô tế bào vảy độ II chiếm 80,2%. Sự bộc lộ quá mức với Her2/neu: chỉ có 3 trường hợp và cả 3 bệnh nhân đều thuộc typ ung thư biểu mô tuyến, 100% ung thư biểu mô tế bào vảy âm tính với Her2/neu.

Qua kết quả nghiên cứu thu được, đề tài kiến nghị: Tiếp tục ứng dụng kỹ thuật chụp PET/CT trong chẩn đoán đánh giá giai đoạn bệnh, và sử dụng kĩ thuật chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị cho bệnh lý ung thư thực quản cũng như một số bệnh lý ung thư khác; Việc xác định và mô tả các thay đổi phân tử ở từng bệnh nhân ung thư là một bước quan trọng hướng tới việc phát triển các phương pháp trị liệu cá nhân hiệu quả hơn. Hy vọng rằng nhiều phát hiện mới sớm làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về các cơ chế phân tử của ESCC cho các liệu pháp điều trị hướng đích. Vì vậy quy trình giải trình tự hệ gen biểu hiện để xác định các biến thể trên các gen có thể liên quan đến bệnh ung thư thực quản từ mẫu mô bệnh ung thư cần được ứng dụng rộng rãi để phục vụ cho việc chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị ung thư thực quản; Đối với nhóm bệnh nhân ung thư thực quản không có chỉ định phẫu thuật, phác đồ điều trị hóa xạ trị đồng thời triệt căn với kĩ thuật xạ trị điều biến liều và phác đồ FOLFOX là một lựa chọn mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả điều trị và giảm được các tác dụng phụ cho bệnh nhân. Ứng dụng rộng rãi quy trình nhuộm hóa mô miễn dịch xét nghiệm mức độ biểu hiện quá mức HER-2 phục vụ cho kế hoạch điều trị đích và dự báo tiến triển cho bệnh nhân.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19488/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 1609
Tổng lượt truy cập: 3.262.133
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.