Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 26-02-2024

Nghiên cứu xây dựng và áp dụng quy trình điều phối ghép tạng tại Việt Nam

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học trong Thế kỷ 20. Về mặt tổ chức và điều hành, bất cứ quốc gia nào trên thế giới, bất cứ bệnh viện nào có ghép tạng đều phải thực hiện 4 bước sau đây: (1) Chuẩn bị người nhận; (2) Chuẩn bị người cho; (3) Chuẩn bị về nhân lực và kỹ thuật và (4) Xây dựng kế hoạch nằm viện, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Quá trình này diễn ra phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các chuyên ngành trong lĩnh vực y - dược. Công việc chuẩn bị người nhận là một trong bốn khâu của ghép tạng, công tác này trước kia được thực hiện lẻ tẻ theo từng cơ sở y tế và cũng chưa có nghiên cứu nào ở trong nước đề cập tới.

Có được những kết quả về ghép tạng như hiện nay trước hết nhờ vào việc luật pháp cho phép ghép tạng như một phương pháp điều trị bệnh. Nhờ đó nhiều người bệnh đã được cứu sống, tiếp theo đó là vai trò của hoạt động điều phối ghép tạng. Điều phối là hoạt động lập kế hoạch, tổ chức, vận hành, sắp xếp để công việc diễn ra suôn sẻ và thuận lợi. Điều phối ghép tạng bao gồm các hoạt động như xác định người hiến, duy trì, chẩn đoán chết não, sự đồng ý của gia đình cho việc hiến tặng, quản lý danh sách người nhận, vận chuyển và phân bổ các cơ quan và mô kịp thời.

Trên thế giới, ở hầu hết các nước phát triển thì việc ghép tạng thường đi trước sự ra đời của công tác điều phối. Tại Mỹ, việc ghép tạng bắt đầu đầu từ năm 1954 ghép thận, ghép phổi năm 1962, ghép gan 1963, ghép tụy 1966, nhưng Mạng lưới phân phối tạng của Mỹ (UNOS) thành lập năm 1984. Nhật Bản, Hệ thống ghép tạng (viết tắt là JOT - Japan Organ Transplant Network) thành lập năm 1997 mặc dù trước đó ghép thận, ghép gan được thực hiện từ năm 1964, ghép tim thực hiện năm 1968. Hệ thống ghép tạng Nhật Bản là tổ chức duy nhất được phép tiếp nhận/ phân bổ tạng ở Nhật Bản và vai trò điều phối của JOT là cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận và phân bổ nội tạng.

Việc chuẩn bị người cho và người nhận là một trong những hoạt động điều phối của các hệ thống ghép tạng của các nước. Tại Mỹ, các cơ sở ghép tạng sẽ tiến hành các kiểm tra và xem xét tình trạng sức khỏe về thể chất và 2 thần kinh của người nhận, cũng như là hệ thống hỗ trợ xã hội của người nhận. Nếu cơ sở ghép tạng xác định rằng người bệnh là ứng cử viên ghép, họ sẽ liên hệ với Trung tâm điều phối để đưa hồ sơ bệnh lí của người bệnh vào danh sách chờ ghép tạng, trung tâm cũng lưu lại các thông tin của người bệnh bao gồm tình trạng cơ thể, nhóm máu, độ tuổi. Lúc này người bệnh chưa được đưa vào một danh sách chờ ghép. Đài loan, các bệnh viện cần phải hoàn thành các giám định y khoa đối với các người bệnh chờ được ghép tạng, so sánh với tỷ lệ nghiêm trọng của bệnh chờ ghép tạng và đưa những thông tin đó lên cơ sở dữ liệu của trung tâm điều phối. Pháp, chuẩn bị người nhận bao gồm các công việc khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh và xác định chỉ định ghép thông qua hội đồng các nhà khoa học là các bác sĩ nhiều chuyên khoa và vào danh sách chờ ghép.

Để xây dựng được danh sách chờ ghép quốc gia tại Việt Nam, việc đầu tiên và cơ bản nhất là các cơ sở y tế phải xác định được nhu cầu ghép (xác định được những người bệnh có chỉ định ghép) từ đó sẽ khảo sát người bệnh về kinh tế, khả năng chi trả và tình trạng hiện tại để đưa vào danh sách chờ ghép quốc gia. Khi đã có danh sách chờ ghép cùng với danh sách người hiến mô, tạng cần có hệ thống văn bản (quy định, quy trình) để hướng dẫn các hoạt động điều phối. Xuất phát từ thực tiễn này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã thực hiện: Nghiên cứu xây dựng và áp dụng quy trình điều phối ghép tạng tại Việt Nam với mục tiêu: Xác định nhu cầu ghép tạng (thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột) tại Việt Nam; Xây dựng quy trình điều phối ghép tạng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ghép tạng (organic transplantation) là phẫu thuật lấy toàn bộ hoặc một phần tạng khỏe mạnh ở người hiến tạng hay hiến tạng (donor) để thay thế tạng bị mắc bệnh cho người bệnh - gọi là người nhận tạng (recipient). Việc thay thế có thể là thay toàn bộ cả về giải phẫu lẫn chức năng (ghép tim, ghép gan), hoặc chỉ thay thế chức năng - tức là bổ sung thêm 1 tạng khỏe mạnh cho người bệnh (ghép thận).

Người hiến tạng có thể là người hiến sống (living donor) hoặc người hiến chết não (brain death donor).

Người hiến sống: đối với một số tạng của cơ thể người bình thường, có thể hiến bớt đi 1 trong 2 tạng (thận) hoặc một phần tạng (gan) mà vẫn sống được bình thường, do phần tạng còn lại đủ đảm bảo tốt các chức năng sống. Những người hiến tạng như vậy gọi là người cho sống. Để có thể cho tạng, bên cạnh việc cam kết tự nguyện hiến tạng của cá nhân người cho, còn đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan theo quy định của pháp luật. Tạng hiến của người cho sống phải được thăm dò hết sức cẩn thận và đạt nhiều yêu cầu chuyên môn, trong đó quan trọng nhất là 2 yếu tố: tạng hiến phải là tạng khỏe mạnh - đủ đảm bảo chức năng ở người nhận tạng; tạng còn lại ở người cho tạng phải đảm bảo đủ chức năng sống bình thường. Người cho sống có thể là người cùng huyết thống hay ngoài huyết thống, miễn là có đủ tiêu chí tương thích về miễn dịch đối với người nhận tạng (nhóm máu, hòa hợp tổ chức…). Việc lấy và ghép tạng thường diễn ra song hành tại cùng 1 cơ sở y tế.

Người hiến chết não: chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được. Tình trạng chết não trong hiến tạng đều do chấn thương sọ não nặng, hoặc một số bệnh lý về não như vỡ mạch máu trong não. Để xác định tình trạng chết não cần làm rất nhiều thăm dò, từ lâm sàng đến cận lâm sàng, theo một quy chuẩn rất chặt chẽ. Gia đình của người bệnh được xác định chết não có thể làm các thủ tục pháp lý 5 theo quy định của pháp luật tại các cơ sở y tế, để có thể hiến tạng, mô, bộ phận phục vụ ghép tạng, ghép tạng mô - khi đó người hiến tạng được gọi là người cho chết não. Việc lấy tạng để ghép từ người cho chết não có thể là lấy 1 tạng hay lấy đa tạng. Tạng lấy ra có thể được ghép ngay tại cùng cơ sở y tế hoặc bảo quản - vận chuyển đi nơi khác để ghép cho người bệnh phù hợp nhất. Tạng đã được bảo quản có thể sử dụng trong vòng 4 - 8 giờ (tùy từng tạng) mà vẫn đảm bảo chức năng tốt. Do nhu cầu người nhận tạng lớn hơn rất nhiều người cho tạng, nên đối với người cho chết não thường hiến nhiều tạng cùng lúc - gọi là người hiến đa tạng chết não (multi-organic donor). Tổ chức thực hiện và quy trình bảo vệ đa tạng là những khâu khó nhất trong việc lấy tạng từ người cho đa tạng chết não.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Xây dựng danh sách nhu cầu ghép tạng (thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột) tại Việt Nam

- Xây dựng quy trình điều phối ghép tạng phù hợp với điều kiện Việt Nam:

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 21 quy trình/quy định điều phối ghép tạng phù hợp với điều kiện Việt Nam bao gồm:

1-Quy định chức năng và nhiệm vụ của điều phối viên người hiến; 2-Quy trình tư vấn cho người nhà của người chết não/chết tim hiến mô, tạng; 3-Quy trình vận chuyển người chết não hiến tạng; 4-Quy trình sàng lọc người hiến tạng; 5-Quy trình báo cáo ca phẫu thuật hiến tạng từ người hiến chết não; 6-Quy trình bảo quản, vận chuyển tạng ghép; 7-Quy trình điều phối ghép; 8-Quy định chức năng và nhiệm vụ của điều phối viên người nhận; 9-Quy trình điều phối tại các cơ sở ghép; 10-Quy định cam kết của các cơ sở ghép với Trung tâm điều phối; 11-Quy trình báo cáo tình hình người bệnh sau ghép; 12-Quy trình xác định cặp người hiến - người nhận; 13-Quy trình lấy đa tạng từ người hiến chết não/chết tim được thực hiện tại các cơ sở không ghép; 14-Quy trình lấy đa tạng từ người hiến chết não/chết tim được thực hiện tại các cơ sở có ghép; 15-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm gây mê hồi sức; 16-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy thận; 17-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy gan; 18-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy tim; 19-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy phổi, 20-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy tụy, 21-Quy định chức năng và nhiệm vụ của nhóm lấy ruột.

Đồng thời đã từng bước áp dụng và hoàn thiện các quy định, quy trình này thông qua 2 trường hợp điều phối người hiến - người nhận giữa các trung tâm ghép.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19451/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 548
Tổng lượt truy cập: 3.953.877
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!