Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 07-03-2024

Sản xuất thử giống dâu GQ2 và giống tằm VNT1, BT1218 cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung

Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và cho phép triển khai đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo và công nghệ nhân giống dâu, tằm thích hợp cho các vùng sản xuất trọng điểm”. Kết quả nổi bật của đề tài đã chọn tạo được giống dâu lai GQ2, giống tằm Đa hệ lai kén vàng VNT1 và giống Lưỡng hệ tứ nguyên kén trắng BT1218. Sau khi giống chọn tạo thành công một số nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện các Quy trình trồng, thâm canh giống dâu mới và nuôi và nhân giống tằm mới đã được triển khai: Về giống dâu đã nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật để xây dựng Quy trình trồng và chăm sóc cây dâu lai F1-GQ2 như nghiên cứu mật độ trồng dâu, tỷ lệ cây bố mẹ, bón phân, thu hoạch và bảo quản hạt dâu, kỹ thuật gieo ươm trong bầu, gieo qua vườm ươm, gieo thẳng; Về giống tằm đã nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi và nhân giống tằm mới, sơ bộ đánh giá được khả năng nhiễm các loại bệnh của giống tằm mới. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian và kinh phí nên đề tài chưa thể giải quyết được các vấn đề cần nghiên cứu.

Xuất phát từ thực tế trên, nhằm hoàn thiện 2 quy trình “Quy trình sản xuất và thâm canh giống dâu GQ2” và “Quy trình nhân giống và nuôi giống tằm VNT1, BT1218”; sản xuất ≥ 90 kg hạt giống dâu GQ2, ≥ 30.000 vòng trứng tằm cấp 2 của 2 giống tằm VNT1, BT1218; Sản xuất thương phẩm ≥ 20 ha giống dâu GQ2, ≥ 50 tấn kén của 2 giống tằm VNT1 và BT1218; Đào tạo, tập huấn 150 lượt người về kỹ thuật sản xuất, thâm canh dâu GQ2, kỹ thuật nuôi tằm VNT1 và BT1218; Công nhận chính thức giống dâu GQ2, TS. Nguyễn Thị Len cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Sản xuất thử giống dâu GQ2 và giống tằm VNT1, BT1218 cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung”.

Dự án đã triển khai đầy đủ các nội dung, đảm bảo quy mô và tiến độ đề ra. Kết quả đạt được như sau:

1. Kết quả nghiên cứu Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất và thâm canh giống dâu GQ2, nhân nuôi giống tằm VNT1, BT1218

- Quy trình sản xuất và thâm canh giống dâu GQ2, Quy trình hoàn thiện đã được bổ sung những điểm mới: Phương pháp điều chỉnh thời gian ra hoa trùng khớp của giống dâu bố No2 và mẹ Q1 để sản xuất hạt dâu lai GQ2 là để dâu lưu Đông, hái lá của cây mẹ trước cây bố 15-20 ngày (tháng 12); Lượng hạt dâu GQ2 gieo ươm thích hợp là 100 g/100 m2 ; Phun thuốc Anvil 5SC ở nồng độ 0,2-0,3% khi cây dâu GQ2 có 2 lá mầm để phòng trừ bệnh lở cổ rễ ở cây con và sử dụng thuốc Pegasus 500 SC để phòng trừ Rệp muội cho cây dâu GQ2.

- Quy trình nhân và nuôi giống tằm VNT1, Quy trình hoàn thiện đã được bổ sung những điểm mới: Bảo quản lạnh kén giống nhị nguyên (HLS x Jn) ở nhiệt độ 12-15 độ C, ẩm độ 80-85% trong thời gian không quá 4 ngày; Bảo quản ngài đực LQ2 ở nhiệt độ 12-15 độ C, ẩm độ 80-85% trong thời gian 1-2 ngày chất lượng ngài đảm bảo, tăng hiệu quả sử dụng ngài đực lên 1,43-2,17 lần so với ngài cái, không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trứng giống đời sau.

- Quy trình nhân và nuôi giống tằm BT1218, Quy trình hoàn thiện đã được bổ sung những điểm mới: Thời gian bảo quản lạnh thích hợp 2 cặp lai nhị nguyên VN1 x A2 và A1 x 810 để sản xuất giống tứ nguyên BT1218 là 120-130 ngày. Công thức xử lý axit HCl là: tỷ trọng 1.095, thời gian 6 phút, nhiệt độ dung dịch là 46 độ C cho tỷ lệ trứng nở cao đạt 95,03-96,93%. Đối với trứng đên giống BT1218 thời gian bảo quản lạnh thích hợp từ 120-130 ngày, công thức xử lý axit HCl thích hợp ở tỷ trọng 1.095, thời gian 5-6 phút, nhiệt độ dung dịch là 46 độ C cho tỷ lệ trứng nở 95,78-97,82%. Sử dụng thuốc sát trùng mình tằm TCCA (Trichloroicyanuric Acid) có hiệu lực sát trùng cao hơn Foocmol và Clorua, tỷ lệ bệnh bủng đường ruột (CPV) giảm 12% và tỷ lệ bệnh bủng đường máu (NPV) giảm 2,08 - 3,33%.

2. Kết quả sản xuất thử nghiệm

- Sản xuất thử nghiệm được 92,5 kg hạt dâu GQ2 đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nảy mầm trung bình của hạt đạt 95,14%. Gieo ươm được 5.251.000 cây dâu giống GQ2 đảm bảo chất lượng, phát triển sản xuất được 125 ha dâu tại các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Cao Bằng, Hà Tĩnh. Đã trồng mới diện tích 20 ha giống dâu GQ2 tại xã Quy Mông (7 ha) và Hòa Cuông (6 ha), huyện Trấn Yên, Yên Bái và xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (7 ha), tỉnh Thanh Hóa, năng suất lá năm thứ 3 đạt 38,52 tấn/ha.

- Đã sản xuất được tổng số 30.216 vòng trứng, trong đó 15.126 vòng trứng giống Đa hệ lai kén vàng VNT1 đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, tỷ lệ trứng nở hữu hiệu 96,34%; Sản xuất được 15.090 vòng trứng giống tằm Lưỡng hệ kén trắng 82 BT1218 đảm bảo chất lượng, tỷ lệ trứng nở đạt 93,75-94,09%, tỷ lệ trứng không thụ tinh là 0,88-1,03% và tỷ lệ bệnh gai là 0,57-0,10%.

- Nuôi thử nghiệm giống tằm VNT1 với tổng số 2.900 vòng trứng tại Hải Dương, Thái Bình và Thanh Hóa. Năng suất kén bình quân đạt 13,2 kg/vòng trứng cao hơn đối chứng 16,96%, năng suất kén/ha dâu/năm đạt 1980 kg. Tổng sản lượng kén của 2.900 vòng trứng là 37,943 tấn (nuôi thử nghiệm là 13,200 tấn và đại trà là 24,743 tấn). Hiệu quả kinh tế tăng 116.500 đồng/vòng trứng, tăng 24,225 triệu đồng/ha dâu/năm so với nuôi giống đối chứng ĐSK x 09.

- Nuôi thử nghiệm giống tằm Lưỡng hệ kén trắng BT1218 tại Trấn Yên, Yên Bái và Mộc Châu, Sơn La. Năng suất kén bình quân đạt 14,34 kg/vòng trứng, cao hơn đối chứng (LQ2) là 12,65%, năng suất kén/ha dâu/năm đạt 2.151 kg. Tổng sản lượng kén khi nuôi 3.010 vòng trứng giống BT1218 đạt 41,437 tấn (nuôi thử nghiệm là 14,335 tấn và nuôi đại trà là 27,102 tấn). Hiệu quả kinh tế tăng 133.000 đồng/vòng trứng, tăng 24,1 triệu đồng/ha dâu/năm so với nuôi giống đối chứng LQ2. Đã tự công bố lưu hành giống dâu GQ2 phù hợp với Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 theo Thông báo số 55/TB-TT-CCN ngày 18/01/2021 của Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Kết quả đào tạo tập huấn

Dự án đã tổ chức được 05 lớp tập huấn với tổng số 174 lượt người tham gia tại tỉnh Yên Bái, Hải Dương và Thanh Hóa. Các học viên tham gia các lớp tập huấn đã tiếp thu nắm bắt được kỹ thuật nhân giống và thâm canh giống dâu lai trồng hạt GQ2, kỹ thuật nhân và nuôi giống tằm Đa hệ lai kén vàng VNT1 và giống Lưỡng hệ kén trắng BT1218.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19539/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 2663
Tổng lượt truy cập: 3.952.682
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!