Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 11-04-2024

Phát triển và thí điểm áp dụng khung năng lực cạnh tranh về sản suất cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp theo mô hình đánh giá sự trưởng thành (maturity model)

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế thế giới chứng kiến các biến đổi sâu rộng với các xu hướng hình thành môi trường kinh tế tự do toàn cầu và sự lên ngôi của các công ty liên quốc gia cùng với các chuỗi cung ứng lớn trong từng lĩnh vực như dệt may, da giầy, điện - điện tử, năng lượng, đồ gia dụng… Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet cùng với xu hướng thay đổi nhanh của thị trường tiêu dùng ngày càng gia tăng sức ép lên thời gian vòng đời sản phẩm trong mọi lĩnh vực mà ở đó đặc điểm của nền sản xuất từ khối lượng lớn - chủng loại ít (low mix - high volume) sang khối lượng nhỏ - nhiều chủng loại (high mix - low volume). Khi các chuỗi cung ứng được mở rộng và trở nên liên quốc gia, mỗi chuỗi cung ứng đều nỗ lực trong tối ưu hóa toàn chuỗi và thiết lập các tiêu chí riêng nhằm tiêu chuẩn hóa năng lực chung của toàn chuỗi, mà ở đó từng doanh nghiệp ở mỗi mắt xích đều cần phát triển và thích nghi với các tiêu chuẩn này nhằm loại bỏ các nút thắt về năng lực cung ứng của cả chuỗi. Một cách cụ thể, các tập đoàn lớn - dẫn dắt chuỗi cung ứng - như Samsung, Toyota, Canon, Adidas, Nike, General Electric, Lockheed Martin… đều phát triển và sử dụng các bộ tiêu chính đánh giá và định hướng riêng cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của mình.

Trong một thập niên gần đây, một xu hướng mới được hình thành trong thương mại quốc tế và một phần được thể hiện rõ trong các Hiệp ước thương mại song phương - đa phương, thế hệ mới, như Hiệp ước CPTPP, EVFTA mở rộng trọng tâm từ các tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm/dịch vụ sang các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây cũng là những vấn đề phát sinh mà các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần chuẩn bị và thích nghi, bên cạnh các yêu cầu riêng của từng chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh như vậy, các chỉ số cạnh tranh truyền thống trong sản xuất như SQDC (An toàn - Chất lượng - Giao hàng - Chi phí) chỉ còn giữ vai trò điều kiện cần cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng và các tiêu chí khác như tính linh hoạt, công nghệ/sản phẩm, sự trải nghiệm và thỏa mãn toàn diện của khách hàng, trách nhiệm xã hội, kinh doanh minh bạch và phát triển bền vững… ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn như là một chỉ dấu cho sự sẵn sàng tham gia và thích ứng với các chuỗi cung ứng Trang 3 toàn cầu theo xu hướng mới. Với sự thay đổi này, vai trò của các yếu tố trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng thay đổi với xu hướng mở rộng từ tác nghiệp sản xuất sang phát triển sản phẩm mới (bao gồm thiết kế các quá trình sản xuất), quản lý chuỗi cung ứng hay học tập và cải tiến liên tục.

Bên cạnh đó sự phát triển và tích hợp sâu của các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng xuất hiện một xu hướng mới mà ở đó hình thành các nhà cung ứng lớn, cùng lúc tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng - ví dụ nhà cung ứng linh kiện bán dẫn trong ngành điện tử hoặc túi khí an toàn trong ngành ô tô. Điều này dần dần hình thành một số đặc điểm của chuỗi cung ứng tập trung vào nhà cung ứng (supplier centric supply chain) thay vì chỉ hoàn toàn là chuỗi cung ứng tập trung vào người mua (buyer centric supply chain). Sự biến đổi này không chỉ xảy ra với các nhà cung ứng lớn và cấp 1 mà còn đúng với các nhà cung ứng cấp 2, 3, 4 và có quy mô nhỏ hơn (ví dụ quy mô nhỏ và vừa). Xu hướng này đặt ra thách thức với các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng phải đồng thời thích nghi với các bộ tiêu chí và lĩnh vực trọng tâm về năng lực của nhiều chuỗi cung ứng khác nhau.

Ngoài ra, khi đối mặt với một môi trường kinh doanh với khả năng biến động nhanh và rộng cùng với xu hướng tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong tìm kiếm các định hướng chiến lược trung và dài hạn về mặt sản xuất để thích nghi với các hoạch định chiến lược chung của tổ chức, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của các chuỗi cung ứng tham gia. Trong khi đó, các nỗ lực thay đổi, cải tiến mang tính phản ứng (reactive) với yêu cầu của người mua hay môi trường kinh doanh thường tỏ ra không hiệu quả về tài chính và thiếu đi tác dụng cộng hưởng trong toàn bộ các khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số mô hình lý thuyết quản trị phổ biến như Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard) được chứng minh hiệu quả trong nhiều trường hợp triển khai chiến lược kinh doanh thì lại khá khái quát và thiếu tính các chỉ dẫn cụ thể cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng. Mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia (trên nền tảng mô hình Malcome Baldridge với 7 nhóm tiêu chí) cũng thể hiện được vai trò dẫn dắt chiến lược nhất định nhưng lại có sự tập trung hẹp vào mảng chất lượng và thiếu cụ thể về sản xuất. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã từng thử nghiệm phát triển tiêu chuẩn theo hướng cung cấp các chỉ dẫn đánh giá mức độ trường thành về hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9004 (với phiên bản mới nhất ban hành năm 2018). Tuy vậy chủ đề tập trung của tiêu chuẩn vẫn chỉ bó hẹp ở quản lý chất lượng và không cụ thể cho lĩnh vực sản xuất. Điều này đặt ra một thách thức chung đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong tìm kiếm một khuôn khổ dẫn dắt cạnh tranh về sản xuất mà họ có thể yên tâm theo đuổi trong trung hạn để hiện thực hóa các định vị chiến lược và sản xuất kinh doanh.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Đức Trung cùng các cộng sự tại Công ty TNHH Tư vấn giải pháp Quản lý Năng suất chất lượng đã thực hiện nhiệm vụ Phát triển và thí điểm áp dụng khung năng lực cạnh tranh về sản suất cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp theo mô hình đánh giá sự trưởng thành (maturity model)” với mục tiêu hình thành khuôn khổ tổng thể các nhóm tiêu chí năng lực cạnh tranh về sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp làm căn cứ cho các hoạt động so sánh chuẩn đối sách (benchmarking) và dẫn dắt chiến lược cải tiến của doanh nghiệp.

Nhìn chung, những năm qua, tình hình quản lý chất lượng trong nước có những tiến bộ mới, khởi sắc mới. Các tổ chức quốc gia về năng suất cũng như doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào nâng cao NS&CL sản phẩm chất lượng, hàng Việt Nam đã bước đầu chiếm lĩnh được thị trường và được chấp nhận. Tuy nhiên, nhìn tổng quan trước bối cảnh tự do hóa thương mại thế giới nhiều thách thức- cơ hội, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, thì năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp có vốn Việt Nam) vẫn còn rất yếu, kém, cần phải hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, đặc biệt là hoạt động đào tạo và chuyển giao kiến thức về quản lý chất lượng.

Mong muốn của các doanh nghiệp về công tác quản lý chất lượng là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh đầy khốc liệt các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh trong nước và trên thị trường quốc tế. Để làm được việc đó cần có đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng từ cấp kiểm tra trong quá trình sản xuất cho tới cấp áp dụng được các công cụ, kỹ năng về công tác quản lý chất lượng, cho cấp cao hơn về hoạch định về công tác quản lý chất lượng đó là lãnh đạo một doanh nghiệp. Việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí người làm công tác quản lý chất lượng để tránh lãng phí là rất cần thiết.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đã có mặt tại Việt Nam và tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam - một cách độc lập hay thông quan hợp tác với đối tác nước ngoài - cũng đang hình thành một số chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong các ngành ô Trang 5 tô, điện tử… Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện tại đang một lúc tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng khác nhau, như ô tô - xe máy, điện - điện tử, đồ gia dụng… và phải thích nghi với các đặc thù khác nhau cũng như trọng tâm năng lực khác nhau của các chuỗi cung ứng này. Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia trong những năm gần đây như CPTPP, EVFTA, cộng đồng kinh tế ASEAN… đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng mở ra nhiều mặt trận cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước và một trong những vấn đề là thích nghi với các yêu cầu mới, môi trường cạnh tranh mới mà ở đó các lợi thế cạnh tranh và thế mạnh truyền thống của doanh nghiệp (như khoảng cách địa lý, hàng rào thuế quan, lực lượng lao động dồi dào…) không còn đảm bảo sự thành công trong cạnh tranh.

Quá trình triển khai Nhiệm vụ gặp nhiều thuận lợi đến từ sự hỗ trợ và hướng dẫn nhiệt tình, hiệu quả từ Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và các đơn vị đối tác. Các doanh nghiệp sản xuất được giới thiệu, tham gia vào chương trình đánh giá cao tính đột phá trong lựa chọn chủ đề của Nhiệm vụ và đánh giá cao kết quả đạt được ở 3 phương diện:

- Chẩn đoán một cách toàn diện và đáng tin cậy hiện trạng của doanh nghiệp

- Xây dựng được 1 kế hoạch cải tiến trung hạn nhằm dẫn dắt các kế hoạch cải tiến ngắn hạn và gắn kết với chiến lược phát triển của doanh nghiệp

- Các chủ đề cải tiến với ưu tiên ngắn hạn được triển khai một cách hiệu quả trong việc cải tiện thiện trạng và góp phần thay đổi kết quả về mức độ cạnh tranh trong nhóm yếu tố liên quan.

Ngoài ra, đối với tổ chức chủ trì, việc tham gia đề tài như một đòn bảy về nghiên cứu và thực thi để tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp các giải pháp đào tạo, tư vấn, huấn luyện đến các doanh nghiệp có nhu cầu. Tăng cường trải nghiệm các ngành nghề khác nhau để nâng cao năng lực và tính sẵn sàng cho các nhiệm vụ trong tương lai.

Bên cạnh đó, đối với các cơ sở ứng dụng các kết quả của Nhiệm vụ giúp nâng cao nhận thức và năng lực trong đánh giá năng lực cạnh tranh sản xuất và hoạch định kế hoạch chiến lược trung hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất, theo đuổi các định vị chiến lược. Cải thiện được năng lực cạnh tranh và hiệu suất sản xuất thông quan thực hiện kế hoạch cải tiến 6 tháng.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19701/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 2470
Tổng lượt truy cập: 2.904.585
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.