Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 02-05-2024

Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tuỷ xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một bệnh phổ biến có thể phòng ngừa và điều trị, được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở mạn tính, thường tiến triển dần kèm theo đáp ứng viêm mạn tính quá mức ở đường hô hấp và nhu mô phổi với các phần tử hoặc chất khí độc hại. BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới vào năm 2020. Tần suất mắc BPTNMT trung bình và nặng ở Việt Nam đứng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm 6,7% dân số. Trong tương lai gần, gánh nặng BPTNMT vẫn có xu hướng tăng lên, do việc tiếp tục phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ và dân số có xu hướng già hóa. Khói thuốc lá và các phân tử độc hại khác như khói từ nhiên liệu sinh học gây ra phản ứng viêm trong phổi. Phản ứng viêm mạn tính này có thể gây ra sự phá hủy nhu mô (dẫn đến khí phế thũng), và làm rối loạn cơ chế sửa chữa và bảo vệ bình thường (dẫn đến xơ hóa đường thở nhỏ).

 

Những biến đổi về mặt sinh bệnh học dẫn đến sự tắc nghẽn luồng khí thở ngày càng tăng và tiếp theo là triệu chứng khó thở và các triệu chứng đặc trưng khác của BPTNMT, hậu quả cuối cùng là tàn phế và tử vong. Hiện nay việc điều trị BPTNMT dựa theo các khuyến cáo của các tổ chức y tế uy tín trên thế giới như GOLD (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease) với các mục tiêu: giảm triệu chứng, cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm số đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và phòng bệnh tiến triển. Các biện pháp điều trị bao gồm: ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, sử dụng thuốc như thuốc giãn phế quản, corticosteroid, ức chế phosphodiesterase..., luyện tập phục hồi chức năng hô hấp, thở oxy, thở máy. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị nói trên đều chỉ giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa đợt cấp nhưng không ngăn chặn được quá trình tiến triển của bệnh, bệnh vẫn tiếp tục nặng dần lên cuối cùng dẫn đến tàn phế và tử vong cho bệnh nhân, trở thành gánh nặng lớn cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội. Vì vậy, ngày nay các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực để nghiên cứu các phương pháp điều trị mới với tham vọng ngăn chặn, thậm chí đảo ngược tiến trình của bệnh. Một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc (TBG). Việc sử dụng tế bào gốc với các đặc tính như khả năng biệt hóa cao, khả năng điều hòa miễn dịch, tái tạo mô... ứng dụng trong điều trị các bệnh lý phổi như xơ phổi, BPTNMT... được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân, cải thiện chất lượng cuộc sống. Những nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy tế bào gốc có khả năng điều hòa miễn dịch, kháng viêm, ức chế stress oxy hóa và sửa chữa các tế bào nội mô. Bước đầu những nghiên cứu can thiệp sử dụng tế bào gốc điều trị các bệnh lý phổi trong đó có BPTNMT cho thấy là an toàn và có khả quan về tính hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như ngay cả trên thế giới các nghiên cứu này cũng còn ít và thời gian theo dõi chưa lâu.

Vì vậy, GS. TS. Ngô Quý Châu cùng các cộng sự tại Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tuỷ xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” nhằm tối ưu hóa quy trình phân lập tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có được quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Qua nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đề tài thu được các kết quả sau:

1. Đã xây dựng và tối ưu hóa được 04 quy trình:

- Phân lập tế bào gốc tự thân từ mô mỡ để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Tạo khối tế bào gốc tự thân từ tủy xương để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Chỉ định và sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Chỉ định và sử dụng tế bào gốc tự thân từ tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

2. Ứng dụng thành công phân lập tế bào gốc tự thân từ mô mỡ trong để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

30 mẫu (gồm 60 khối) TBG tự thân từ mô mỡ đã được phân lập từ 30 bệnh nhân để truyền TBG lần 1 và truyền TBG lần 2.

30 mẫu TBG tự thân từ mô mỡ đều có chất lượng đạt các tiêu chí ngay sau tách chiết và sau bảo quản, rã đông. Tỷ lệ tế bào sống ngay sau tách chiết là 99%, sau bảo quản là 86,5%. Số lượng tế bào có nhân có trung vị là 402,96 x 106 tế bào, thấp nhất 306,24 x 106 tế bào. Tỷ lệ tế bào CD34+ là 0,0036% và tỷ lệ tế bào MSC (CD90+, CD73+, CD105+) là 0,088% trong số tế bào có nhân tại thời điểm sau tách chiết. Nuôi cấy vi khuẩn, vi nấm âm tính 100%.

3. Ứng dụng thành công tạo khối tế bào gốc tự thân từ tủy xương trong để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

30 mẫu (gồm 60 khối) TBG tự thân từ tủy xương đã được phân lập từ 30 bệnh nhân để truyền TBG lần 1 và truyền TBG lần 2.

30 mẫu TBG tự thân từ tủy xương đều có chất lượng đạt các tiêu chí ngay sau tách chiết và sau bảo quản, rã đông. Tỷ lệ TB sống ngay sau tách chiết là 97,43%, sau bảo quản là 81,9%. Số lượng TBCN trong khối TBG có trung vị là 33 4931,73 x 106 tế bào, thấp nhất 2181,2 x 106 TB. Tỷ lệ tế bào CD34+ là 0,97% và tỷ lệ tế bào MSC (CD90+, CD73+, CD105+) là 0,054% trong số tế bào có nhân tại thời điểm sau tách chiết. Nuôi cấy vi khuẩn, vi nấm âm tính 100%.

4. Sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Điều trị thành công cho 30 BN BPTNMT bằng TBG tự thân từ mô mỡ. Không có biến cố bất lợi nghiêm trọng, không có BN tử vong trong nghiên cứu. Liệu pháp TBG tự thân từ mô mỡ điều trị BPTNMT giúp cải thiện thang điểm CAT, mMRC, cải thiện khả năng gắng sức, chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng hô hấp và một số yếu tố viêm.

5. Sử dụng tế bào gốc tự thân từ tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Điều trị thành công cho 30 BN BPTNMT bằng TBG tự thân từ tủy xương. Không có biến cố bất lợi nghiêm trọng, không có BN tử vong trong nghiên cứu. Liệu pháp TBG tự thân từ tủy xương điều trị BPTNMT giúp cải thiện thang điểm CAT, mMRC, cải thiện khả năng gắng sức, chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng hô hấp và một số yếu tố viêm.

Từ các kết quả thu được trên 30 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị bằng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và 30 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị bằng tế bào gốc tự thân từ tủy xương cho thấy việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương là an toàn và có triển vọng trong cải thiện mức độ khó thở, khả năng gắng sức, chất lượng cuộc sống. Vì vậy, đề tài kiến nghị chotiếp tục triển khai sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho nhiều bệnh nhân hơn và mở rộng chỉ định cho các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nhẹ hơn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19810/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 2212
Tổng lượt truy cập: 3.943.365
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!