Đánh giá hiện trạng phông phóng xạ môi trường biển Việt Nam, nghiên cứu khả năng phát tán và ảnh hưởng phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành gần lãnh thổ Việt Nam
Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) có công suất lớn hơn 1.000 MW cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ) từ 3 - 5km; vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ) từ 15 - 30km; khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD) ở phạm vi dưới 100km và khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD) phạm vi dưới 300km.
Như vậy, Quảng Ninh, Hải Phòng (huyện đảo Bạch Long Vĩ) và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam cũng thuộc khu vực EPD và ICPD trong tương quan với Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành và Xương Giang cho nên Việt Nam cần phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó dự phòng để giải quyết được các vấn để xảy ra. Trong các phương pháp tiếp cận, thì mô hình là một hướng được sử dụng nhiều trong việc nghiên cứu, dự báo phạm vi, mức độ ảnh hưởng do sự cố phóng thích chất phóng xạ đến môi trường biển. Phương pháp này khắc phục được những hạn chế khó khăn của phương pháp truyền thống trong việc đo đạc khảo sát ở những vùng biển khơi trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Mặc dù có rất nhiều lo ngại về những ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố phóng xạ từ các NMĐHN của Trung Quốc đến vùng biển của nước ta nhưng cho đến nay, những nghiên cứu khoa học về các ảnh hưởng này ở nước ta còn rất ít và mới mẻ, đặc biệt là nghiên cứu định lượng về phạm vi, mức độ ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố
Từ tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, TS. Nguyễn Trọng Ngọ và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Hạt Nhân - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – đã thực hiện đề tài: “Đánh giá hiện trạng phông phóng xạ môi trường biển Việt Nam, nghiên cứu khả năng phát tán và ảnh hưởng phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành gần lãnh thổ Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Đề tài đã tạo ra được những tính mới trong khoa học phóng xạ môi trường biển, đồng thời có ý nghĩa thực tiễn cao, cụ thể:
1. Thiết lập bộ số liệu (gần 1500 số liệu) về mức phông các đồng vị phóng xạ tự nhiên (226Ra, 232Th và 238U) và nhân tạo (90Sr, 137Cs, 239,240 Pu & 3H) trong các thành phần môi trường biển (nước, trầm tích, cá, sò, mực...) vịnh Bắc Bộ với mức tin cậy 95% và là lần đầu tiên được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới; bộ số liệu này sẽ là cơ sở cho đánh giá tác động môi trường của việc sử dụng năng lượng hạt nhân xung quanh vịnh Bắc Bộ. Qua đây, cũng có thể nhận xét rằng: các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước, hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành xung quanh vịnh Bắc Bộ hiện tại chưa ảnh hưởng đến chất lượng môi trường biển về mặt phóng xạ của vịnh Bắc Bộ nói riêng và biển Việt Nam nói chung.
2. Biên tập 03 loại bản đồ phân bố (bản đồ số hóa (GIS); bản đồ in với tỉ lệ 1:3,000,000; bản đồ trên nền trang web có thể cập nhật trực tuyến (online)) của 4 đồng vị phóng xạ nhân tạo (137Cs, 239,240Pu, 3H và bổ sung thêm 90Sr) trong môi trường biển (nước biển, trầm tích biển) cho vùng biển vịnh Bắc Bộ.
3. Xây dựng bộ tài liệu về động lực học môi trường biển vịnh Bắc Bộ làm cơ sở để thiết lập các nhóm mô hình mô phỏng phát tán phóng xạ khi xảy ra sự cố các NMĐHN xung quanh VBB.
4. Chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển (hai đồng vị chỉ thị cho các sự cố hạt nhân). Thế giới chưa có loại thiết bị kiểu thế này, kinh phí chỉ bằng ¼ so với nhập khẩu, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển (hiện hãng GmbH, Đức sản xuất loại thiết bị quan trắc phóng xạ di động trong nước, giới hạn phát hiện 550 Bq/m3 , chỉ cảnh báo được sự cố phóng xạ cấp 6 và 7, giá thành 6 tỷ đồng). Tuy giới hạn phát hiện chưa đạt theo đăng ký, nhưng vẫn thấp hơn so với thiết bị cùng chức năng nhập ngoại 120 lần, thiết bị hoàn toàn đáp ứng cho mục tiêu cảnh báo nhanh các sự cố phóng xạ (cấp sự cố 5, 6 và 7) từ NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc cũng như từ các cơ sở hạt nhân khác tới môi trường biển Việt Nam.
5. Xây dựng thành công phương pháp mô phỏng, đánh giá khả năng phát tán chất phóng xạ (đồng vị tiêu biểu là 137Cs) từ các NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc trong môi trường biển vịnh Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, cho phép ước tính thời gian, phạm vi và mức độ ảnh hưởng của chất phóng xạ phát tán khi xảy ra sự cố từ các NMĐHN của Trung Quốc đến môi trường biển và con người Việt Nam, làm cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố. Có thể nói đã tạo ra một hướng mới trong nghiên cứu phóng xạ môi trường biển nói riêng và nghiên cứu môi trường nói chung.
6. Đánh giá liều bức xạ bởi quá trình phát tán chất phóng xạ từ các NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường biển và con người Việt Nam bằng các mô hình tính toán liều (ERICA, EPA, LAMER) làm cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố.
7. Đề xuất các giải pháp ứng phó đối với một số kịch bản tai nạn từ các NMĐHN Phòng Thành và Xương.
Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung đặt ra; sản phẩm đủ về số lượng và chất lượng theo đăng ký. Trên cơ sở các kết quả mô phỏng phát tán phóng xạ, áp dụng các mô hình tính toán liều (ERICA, EPA, LAMER) đánh giá liều bức xạ bởi quá trình phát tán chất phóng xạ từ các NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang của Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường biển và con người Việt Nam làm cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố. 06 giải pháp ứng phó đối với một số kịch bản tai nạn từ các NMĐHN Phòng Thành và Xương Giang đã được đề xuất.
Những sự cố phóng xạ thường để lại những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ đối với môi trường sinh thái mà còn đối với sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy, nghiên cứu khảo sát đánh giá phông phóng xạ môi trường biển VBB cũng như nghiên cứu quá trình vận chuyển, phát tán các chất phóng xạ phát thải từ sự cố NMĐHN, đánh giá liều bức xạ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa ra các phương án, kế hoạch ứng phó nếu sự cố hạt nhân xảy ra, nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng, tác động đến môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật và sức khỏe của con người.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 193/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.