Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng quy trình xác định cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trong đó bão và áp thấp nhiệt đới là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão gây ra những hậu quả nặng nề về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Một trong những hệ quả khi bão đổ bộ vào đất liền là hiện tượng nước dâng do bão ở vùng ven bờ gây ra ngập lụt, xâm nhập mặn và xói lở bờ biển, nước dâng do bão càng nguy hiểm khi xảy ra vào lúc triều cường. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do bão, ATNĐ và NDDB nhưng việc nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai mới được quan tâm trong những năm gần đây và chủ yếu liên quan đến đánh giá quy mô, cường độ của thiên tai và thiệt hại, tổn thất do thiên tai mà chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ rủi ro do bão, ATNĐ và NDDB cũng như chưa có một nghiên cứu chính thức nào về phương pháp và tiêu chí phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ, NDDB. Chính vì vậy, các nghiên cứu thường thiếu tính thống nhất và tồn tại sự khác biệt khá lớn trong các kết quả công bố cho cùng một khu vực hay đối tượng.
Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành ngày 18/8/2014 đã quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai cho các loại hình thiên tai, trong đó có áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão. Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ra đời là cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai, góp phần giúp các địa phương thuận tiện trong công cuộc quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi đạt được trong quản lý rủi ro, sau một thời gian thực hiện và áp dụng trong thực tế đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Cấp độ rủi ro được phân cấp và quy định trong văn bản là dựa trên chính thiên tai chứ không phải mức độ phơi nhiễm, tác động của thiên tai đến nhân dân, hoạt động kinh tế và hội đối với các vùng ảnh hưởng khác nhau, điều này gây ra một số vấn đề khó khăn trong thực tiễn thi hành. Do đó, góp phần đề xuất, điều chỉnh sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thiên tai.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai theo những hướng tiếp cận khác nhau và sử dụng các phương pháp khác nhau. Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng quy trình xác định cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão” do TS. Đỗ Đình Chiến cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện với mục tiêu: Xác định được cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão; Xây dựng được quy trình và bộ công cụ xác định cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão và áp dụng thử nghiệm cho khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng; Hỗ trợ đề xuất những bất cập để chỉnh sửa Quyết định 44/2014/QĐ-TTg (QĐ44) đối với cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng do bão.
Đề tài đã nghiên cứu tổng quan về đánh giá rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ và NDDB trên thế giới và tại Việt Nam để có cái nhìn tổng quát và chính xác về phương pháp, cách tiếp cận đánh giá rủi ro hiện nay. Qua đó đề tài đã lựa chọn sử dụng khái niệm về rủi ro của IPCC và phương pháp chỉ số để xây dựng quy trình đánh giá rủi ro do bão, ATNĐ và NDDB cho Việt Nam; quy trình gồm 4 bước: Bước 1: Xây dựng bộ chỉ thị chung cho toàn Việt Nam; Bước 2: Chuẩn hóa dữ liệu cho các chỉ thị; Bước 3: Xác định trọng số cho các thành phần; Bước 4: Xây dựng bản đồ rủi ro NDDB. Bộ chỉ thị được lựa chọn để đánh giá rủi ro do bão, ATNĐ và NDDB cho Việt Nam, gồm: Bộ chỉ thị hiểm họa do bão, ATNĐ (vận tốc gió lớn nhất, lượng mưa ngày lớn nhất trong bão và tổng lượng mưa trong bão), hiểm họa NDDB (độ cao NDDB lớn nhất); Bộ chỉ thị mức độ phơi bày, lựa chọn 2 nhóm chỉ thị gồm: Mật độ dân số và sử dụng đất; Bộ chỉ thị tính dễ bị tổn thương gồm các nhóm chỉ thị về độ nhạy và khả năng chống chịu. Kết quả đánh giá rủi ro khu vực thử nghiệm cho kết quả như sau:
- Đối với đánh giá rủi ro do bão, ATNĐ: Đánh giá, phân vùng rủi ro cho các nhóm bão theo cấp độ (cấp 9 và dưới cấp 9; cấp 10 và 11; cấp 12 và trên cấp 12). Kết quả đánh giá 3 nhóm bão này có xu thế khá tương đồng về mặt không gian. Khu vực thành phố Hải Phòng có cấp độ rủi ro ở mức trung bình và cao ở cả 3 nhóm bão; thành phố Móng Cái, huyện Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên có cấp độ rủi ro cao nhất trong khu vực ở nhóm bão cấp 9 và dưới cấp 9 và nhóm bão cấp 12 và trên cấp 12 nhưng lại đạt mức trung bình và thấp ở nhóm bão cấp 10-11, nguyên nhân xuất hiện điều này có thể do số lượng cơn bão ở nhóm này ít nên không đủ tính đại diện (trong vòng 20 năm chỉ có 3 cơn bão thuộc nhóm cấp 10-11 trong tổng 22 cơn bão/ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nghiên cứu).
- Đối với đánh giá rủi ro do NDDB: Chỉ số rủi ro NDDB với ở khu vực ven biển thành phố Hải Phòng cao hơn tỉnh Quảng Ninh, cấp độ rủi ro đều ở mức cao và rất cao, huyện đảo Cát Hải có cấp độ rủi ro ở cấp từ rất thấp đến trung bình với các cấp bão. Chỉ số rủi ro NDDB ở Quảng Ninh phân bố chủ yếu ở cấp thấp và trung bình; khi chịu ảnh hưởng của cơn bão cấp 14, Quảng Ninh xảy ra cấp độ rủi ro ở mức rất cao tại thị xã Quảng Yên và cấp độ cao phân bố ở diện tích nhỏ, rải rác ở các huyện, xuất hiện nhiều ở thành phố Hạ Long, huyện dải ven biển huyện Đầm Hà và Hải Hà. Có thể thấy, tỉnh Quảng Ninh có chỉ số rủi ro nhỏ hơn là hợp lí do khu vực này là vùng vịnh, hiểm họa NDDB tại khu vực này là rất nhỏ.
Sau khi đánh giá rủi ro cho khu vực thử nghiệm, đề tài đã đề xuất những bất cập khi thực hiện QĐ 44/QĐ-TTg trong hoàn cảnh hiện nay. Tiếp đó, dựa trên những tính toán thực tế, đề tài đề xuất sửa đổi QĐ 44/QĐ-TTg để thuận lợi hơn trong sử dụng cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai thuận lợi cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin, hỗ trợ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong các hoạt động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19732/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.