Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-06-2024

Xác định và đánh giá độc tính của hyđrocacbon thơm (PAHs) và PM2.5 và PM10 tại khu vực Hà Nội

Trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, TS. Lê Hữu Tuyến và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Xác định và đánh giá độc tính của các hợp chất hyđrocacbon thơm (PAHs) và các hợp chất liên quan trong bụi khí (PM2.5 và PM10) tại khu vực Hà Nội sử dụng kết hợp phương pháp phân tích hóa học và thử nghiệm sinh học”.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: hiểu được mức độ tích tụ và phân bố thành phần của các hợp chất PAHs trong hạt bụi có kích thước có thể xâm nhập vào phổi qua con đường hít thở (PM2.5 và PM10) tại Hà Nội; hiểu về tác động của các hợp chất ô nhiễm có trong hạt bụi lên thụ thể AhR và khả năng gây ung thư tiềm tàng của chất gây ô nhiễm trong bụi đô thị; xác định độc tính tổng số và đánh giá các chất gây ô nhiễm như các hợp chất PAHs hoặc các dẫn xuất PAH trong hạt bụi có kích thước nhỏ (PM2.5 và PM10) có thể xâm nhập vào phổi thông qua con đường hít thở; và đánh giá nguy cơ ung thư đối với dân cư bị phơi nhiễm bởi các hợp chất PAHs có trong bụi khí với kích thước nhỏ (PM2.5 và PM10) có thể xâm nhập vào phổi thông qua con đường hít thở.

Đề tài đã tiến hành nghiên cứu xác định được hàm lượng và tác động của các hợp chất gây kích thích thụ thể hydrocarbon thơm (AhR) trong mẫu bụi mịn với kích thước hạt nhỏ có thể sâm nhập vào đường hô hấp dưới cũng như sự đóng góp của các hợp chất này vào tổng độc tính (BaPEQs). Hoạt tính trung gian AhR được tìm thấy trong dịch chiết thô của hạt bụi PM 2,5 (660 đến 1.250, trung bình là 896 ng/m3) cao hơn đáng kể so với trong hạt bụi PM10 (từ 21 đến 42, trung bình là 32 ng/m3), và hạt bụi có kích thước lớn hơn PM10 (6 đến 8, trung bình là 7 ng/m3) được thu thập từ khu vực Hà Nội. Kết quả phân tích CALUX-BaPEQs trong dịch chiết của hạt bụi mịn ở phân đoạn không phân cực F1 cao hơn phân đoạn phân cực F2, điều này cho thấy các chất kích thích thụ thể AhR nằm ở phân đoạn không phân cực nhiều hơn phân đoạn phân cực. Xu hướng này cũng đã được xác nhận bởi hoạt tính trung gian AhR rất thấp trong phân đoạn rất phân cực F3. Kết quả phân tích CALUX-BaPEQs trong dịch chiết của hạt bụi khi trộn hai phân đoạn F1 và F2 cho thấy xuất hiện hoạt tính trung gian AhR cộng hợp và cao hơn so với hoạt tính trung gian AhR của từng phân đoạn riêng biệt. Kết quả phân tích hoạt tính trung gian AhR đối với tất cả các hạt bụi có kích thước khác nhau chỉ ra rằng các chất kích thích thụ thể AhR thường bám trên các hạt bụi nhỏ nhiều hơn trên các hạt bụi lớn. Khi nghiên cứu đánh giá rủi ro gây ung thư theo thời gian sống, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy ILCR đối với người lớn giao động từ 1.0 x 10-4 đến 2,8 x 10-4 và đối với trẻ em giao động từ 6,4 x 10-5 đến 1,8 x 10-4. Nghiên cứu này cho thấy phương pháp PAH-CALUX có thể thích hợp sử dụng trong việc nghiên cứu đánh giá rủi ro ung thư do phơi nhiễm với các hợp chất gây kích thích thụ thể.

Đây là nghiên cứu đầu tiên áp dụng kết hợp phương pháp phân tích truyền thống GC-MS và phương pháp PAH-CALUX vào nghiên cứu xác định hàm lượng các hợp chất PAHs, MePAHs và độc tính tổng số PAH-CALUX BaPEQs trong bụi mịn. Đây cũng là lần đầu tiên ảnh hưởng của các hợp chất gây kích thích thụ thể AhR cũng như tác động của các hợp chất PAH, MePAHs bám trong mẫu bụi mịn đến thụ thể AhR được luận giải và chứng minh bằng phương pháp biểu hiện gen. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có thể áp dụng phương pháp PAH-CALUX để xác định độc tính tổng số của các mẫu môi trường cũng như mẫu thực phẩm. Cách tiếp cận, kết quả nghiên cứu cũng như phương pháp sử dụng trong các nội dung nghiên cứu của đề tài này cung cấp thêm căn cứ để các nhà khoa học, các nhà quản lý nhìn nhận sự cần thiết tiến hành các nghiên cứu đánh giá thực trạng ô nhiễm và rủi ro ung thư khi phơi nhiễm với các độc chất trong hạt bụi mịn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19923/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 57
Hôm nay: 2350
Tổng lượt truy cập: 3.268.602
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.