Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-09-2024

Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Hương

Việt Nam là nước có sự đa dạng sinh học cao, nguồn gen vật nuôi khá phong phú, đặc biệt là các giống lợn bản địa. Các giống lợn bản địa có năng suất thấp nên số lượng đã và đang bị giảm mạnh vì hiệu quả chăn nuôi không cao (Phạm Công Thiếu, 2016). Thực tế cho thấy các giống lợn bản địa của nước ta có những đặc tính rất quý như dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chất lượng thịt thơm ngon, khả năng tận dụng thức ăn kém chất lượng tốt, và có thể nuôi và phát triển được ở hầu hết các vùng sinh thái khác nhau, kể cả những nơi mà điều kiện chăn nuôi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

 

Lợn Hương có nguồn gốc từ lâu đời tại một số huyện vùng cao giáp ranh biên giới Việt - Trung của tỉnh Cao Bằng như Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang v.v... Bên cạnh những đặc điểm tốt như dễ nuôi, sức đề kháng cao, thịt thơm ngon so với các giống lợn bản địa khác. Tuy nhiên, lợn Hương có nhược điểm là tốc độ sinh trưởng thấp, tỷ lệ nạc thấp và năng suất sinh sản thấp, nổi cộm nhất là số con sơ sinh sống/ổ thấp. Do đó, lợn Hương thuần không được nuôi nhiều trong lĩnh vực khai thác thịt ở các nông hộ và gia trại cũng như các trang trại. Từ thực tế đó, lợn Hương rất dễ bị lai tạp và nguồn gen thuần cũng khó lưu giữ một cách bền vững.

Trước thực tế đó, lợn Hương được chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi đưa vào nuôi bảo tồn từ năm 2007 nhằm bảo tồn một nguồn nguyên liệu quý trong hệ thống lợn bản địa ở nước ta và đóng góp vào sự đang dạng sinh học của giống lợn Việt Nam. Lợn Hương có chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ bán và thường bán được giá cao hơn các giống lợn bản địa khác từ 15- 20% và cao hơn 40-50% so với giá lợn công nghiệp. Hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm thịt lợn Hương là rất lớn, tuy nhiên các cơ sở chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường (Phạm Công Thiếu, 2017). Tuy nhiên, cho đến nay ngoài công tác bảo tồn và lưu giữ nguồn gen lợn Hương chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về chọn lọc, nhân giống và áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao năng suất sinh sản, sinh trưởng và chất lượng thịt của giống lợn Hương. Vì vậy, nghiên cứu để có những đánh giá sâu hơn về đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng và sinh sản của lợn Hương, từ đó xây dựng và củng cố các đàn hạt nhân, đàn sản xuất, đưa ra các quy trình kỹ thuật chọn lọc, nhân giống, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung là hết sức cần thiết.

Từ yêu cầu của thực tế trên, ThS. Phạm Hải Ninh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi thực hiện nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Hương” với mục tiêu khai thác và phát triển được nguồn gen lợn Hương.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Đã tiến hành điều tra 200 hộ chăn nuôi tại huyện Hòa An, Trà Lĩnh và Thạch An tỉnh Cao Bằng. Lợn Hương được nuôi chiếm tỷ lệ 47,37% trong tổng số các hộ điều tra, trong đó tập trung nhiều tại huyện Hòa An. Lợn Hương được nuôi bán chăn thả là chủ yếu (chiếm 59,00%) và nuôi nhốt (chiếm 34,5%). 59,50% số hộ có điều kiện chuồng trại tốt đạt yêu cầu kỹ thuật, ngoài ra còn 40,5% số hộ có chuồng nuôi chất lượng kém, tạm bợ sơ sài không đảm bảo điều kiện và yêu cầu.

- Chọn lọc và xây dựng đàn hạt nhân lợn Hương.

Về ngoại hình: lợn Hương mang đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống với lông và da bụng màu trắng, có đốm đen ở đầu và chỏm mông chiếm đa số (95,83%); tai nhỏ và dựng, cổ dài vừa phải (93,06%); mõm dài và thẳng, mặt thẳng (83,33%); lưng hơi võng, bụng to tròn và hơi sệ (81,94%). Các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của lợn Hương tại thế hệ 3 đều có tỷ lệ cao hơn so với thế hệ 1 và 2.

Về tính năng sản xuất: lợn cái Hương hậu bị có tuổi phối giống lần đầu lúc 219,70 ngày và tuổi đẻ lứa đầu lúc 333,70 ngày. Số con sơ sinh sống/ổ 8,75 con; số con cai sữa 8,32 con. Khối lượng sơ sinh 0,46 kg; khối lượng cai sữa lúc 39,85 ngày đạt 4,24 kg; số lứa đẻ/nái/năm 1,94 lứa. Kết quả theo dõi năng suất sinh sản trên toàn đàn của lợn đực Hương có số con sơ sinh sống/ổ 8,60 con; số con cai sữa/ổ 8,13 con. Khối lượng sơ sinh/con 0,45 kg và khối lượng cai sữa/con 4,32 kg.

- Nghiên cứu xây dựng đàn sản xuất lợn Hương.

- Đã xây dựng 01 quy trình chăn nuôi lợn Hương sinh sản và 01 quy trình chăn nuôi lợn Hương thương phẩm.

- Đã xây dựng 02 mô hình tập trung chăn nuôi lợn Hương thương phẩm, quy mô 200 con/mô hình tại Cao Bằng và Quảng Ninh. Lợn Hương thương phẩm có khối lượng lúc 8 tháng tuổi trung bình là 43,03 kg. Tăng khối lượng 200,85 g/con/ngày từ sau cai sữa đến 8 tháng tuổi với tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 4,29 kg. Lợn Hương giết thịt lúc 8 tháng tuổi có tỷ lệ móc hàm và thịt xẻ ở mức trung bình và lần lượt là 74,21 và 63,31%, tỷ lệ nạc ở lợn Hương đạt mức khá (41,69%), tỷ lệ mỡ thấp (31,95%). Thịt lợn Hương có tỷ lệ mỡ trong cơ cao hơn so với hầu hết các giống lợn bản địa Việt Nam (6,43%), tỷ lệ protein 20,28%. Hàm lượng axit Glutamic và axit Glycine cao lần lượt đạt 4,19 và 2,23%.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20027/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 38
Hôm nay: 1085
Tổng lượt truy cập: 3.491.886
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!