Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 14-06-2023

Thị trường blockchain Việt Nam có nhiều điểm sáng

Công nghệ blockchain hiện đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng trong mục tiêu phát triển. Quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỷ USD vào năm 2029 (Báo cáo của Grand View Research).

Thúc đẩy chuyển đổi số

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phát triển, cũng là cơ hội để ngành blockchain Việt Nam có những đổi mới phát triển. Công nghệ blockchain tại Việt Nam hiện đang được áp dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực như tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ công cộng (30%)... giải quyết được nhiều bài toán với những đặc tính vượt trội như minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí.

Theo một chuyên gia tài chính của VPBank, trong thời đại 4.0, blockchain đang được tích cực nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain, các ngân hàng có khả năng giải quyết các giao dịch thanh toán nhanh chóng với chi phí thấp hơn. Hiện VPBank đã và đang tích cực nghiên cứu ứng dụng blockchain trong xử lý các nghiệp vụ cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.

Thị trường blockchain Việt Nam có nhiều điểm sáng

Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, VINASA và các doanh nghiệp hội viên đặt cho mình sứ mệnh tiên phong về chuyển đổi số. Trong đó, thị trường công nghệ blockchain cần phải được phát triển đúng hướng, phát huy các thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung, góp phần tạo bứt phá cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn không chỉ về thị trường, mà còn là những đổi mới công nghệ, hành lang pháp lý để blockchain sớm trở thành công nghệ nền tảng chủ chốt, phục vụ đời sống xã hội. Trong định hướng hoạt động của mình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ sớm thúc đẩy các hoạt động, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, sự thành lập của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) trong giai đoạn này là rất đúng thời điểm khi tham gia trực tiếp vào quá trình nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0; đồng thời đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025 - định hướng đến 2030. Dù chỉ mới thành lập được 01 năm nhưng Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Tiềm năng thị trường rất lớn

Trên thực tế, thị trường blockchain Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, hiện rất nhiều các tập đoàn công nghệ lớn ở những cường quốc về công nghệ blockchain trong khu vực và trên thế giới như UAE, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc… cũng đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Theo Marketsand

Markets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam có thể đạt gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.

Theo đại diện VBA, Việt Nam đang được xem là thị trường có mức chấp nhận, cũng như phát triển công nghệ blockchain hàng đầu thế giới. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up “kỳ lân” trong lĩnh vực này. Trong Top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch VBA chia sẻ, tuy còn mới mẻ và còn nhiều vấn đề về pháp lý tại Việt Nam, nhưng blockchain đang có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đến nay, VBA đã có 50.000 thành viên, hơn 80 đối tác, đạt được hơn 50 ký kết hợp tác; tham gia hơn 100 sự kiện với tư cách đơn vị tổ chức, đồng hành, hỗ trợ truyền thông… Trong năm 2023, VBA sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng của các thành viên; Tiến hành hỗ trợ gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp blockchain trong nước, đặc biệt là liên kết với các trường đại học quốc gia để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. VBA đã công bố 4 chương trình trọng điểm cho năm 2023, bao gồm Tiêu chuẩn VBA, Ứng dụng Regtech, Hỗ trợ gọi vốn và Giáo trình.

Cũng theo ông Trung, thời gian tới, VBA tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng chính sách pháp lý, đối thoại với cơ quan liên quan nhằm gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

https://congnghiepcongnghecao.com.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 2620
Tổng lượt truy cập: 3.952.639
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!