Chuyển đổi số, phát triển logistics thông minh để thúc đẩy tăng trưởng
Chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường này tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024 - Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024 do VCCI và UBND TP Hải Phòng, Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, chiều ngày 28/5, tại Hải Phòng.
Lợi ích rõ ràng nhưng phát triển chưa tương xứng
Chủ tịch VCCI cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ký Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với mục tiêu phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số…
Cũng theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và DN.
Khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, có 90,5% các DN dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.
Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất "khiêm tốn" 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
"Nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các DN dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm DN lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các DN dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức", Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Đặc biệt, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố tháng 5/2024 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đưa quan điểm xác định, Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Tầm nhìn năm 2050 được xác định: sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, từ năm 2022 VCCI đã cùng 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương ký kết "Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông", theo đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương...
Logistics được coi là xương sống của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các DN dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
"Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 DN trong nước, đa phần là các DN vừa và nhỏ và khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics… Điều này cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics vốn rất nhiều tiềm năng.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các DN cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số", Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Trung ương, địa phương, DN phối hợp để chuyển đổi số logistics
Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Nhấn mạnh yêu cầu "tập trung phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao", đồng thời đề ra yêu cầu có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế...
Để phát triển ngành logistic nói chung, thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistic nói riêng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng DN. Do đó, ông Nguyễn Đức Hiển kiến nghị 6 nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển logistics và quá trình chuyển đổi số của ngành.
Hai là, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ...
Chuyển đổi số, phát triển logistics thông minh để thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 3.
Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024 - Ảnh: VGP/HT
Ba là, cần tháo gỡ các cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng như nghiên cứu hình thành các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng như đã có định hướng trong Nghị quyết 29 để khai thác quỹ đất để thúc đẩy liên kết vùng... để quá trình xây dựng hạ tầng cho logistics đi vào thực tiễn,
Bốn là, cần phát triển logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics.
Năm là, cần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Phát triển các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn; hình thành các trục thương mại lớn của vùng, phát triển hệ thống logistics, thương mại điện tử...
Sáu là, cần chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistic trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao...
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: Xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000 ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu...
Theo quy hoạch, mạng lưới logistics TP. Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.
"Với những lợi thế, tiềm năng vị trí địa lý, cùng quyết tâm mạnh mẽ của thành phố và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN, người dân, TP. Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế", lãnh đạo TP. Hải Phòng khẳng định.