Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 15-03-2022

Cánh tay robot Make in Viet Nam tái sinh cuộc sống cho người khuyết tật

Tái sinh cuộc sống cho người khuyết tật

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 47 năm, nhưng những tàn tích của nó vẫn còn tồn tại. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, trong những năm tháng chiến tranh, đã có khoảng 15,3 triệu tấn bom trút xuống nước ta. Dù bộ đội công binh miệt mài ngày đêm rà phá, nhưng lượng bom mìn còn sót lại quá lớn, luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn, vật nổ gây thương tích và để lại hậu quả rất nặng nề.

Năm 1982, 7 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Trịnh Dũng, một cậu bé 12 tuổi sống ở Hà Nội, đã được một người lính về hưu tặng một quả lựu đạn làm kỷ vật. Một ngày nọ, trước sự tò mò cháy bỏng của mình, Trịnh Dũng đã kéo chốt an toàn của nó và vài giây sau, quả lựu đạn phát nổ. Trịnh Dũng bị cụt cánh tay trái.

Hai năm sau vụ tai nạn, Trịnh Dũng có được cánh tay giả đầu tiên. Nhưng định kỳ anh cần thay thế để phù hợp với cơ thể đang phát triển của mình và gia đình không đủ tiền mua chúng.

Trao đổi với KrASIA, Trịnh Dũng cho biết: "Sau 10 không đeo cánh tay giả, tôi đã tìm thấy một bệnh viện chỉnh hình cung cấp một cánh tay giả có giá cả phải chăng. Nhưng vào thời điểm đó, công nghệ này không tiên tiến. Cánh tay nặng trĩu và rất khó chịu".

Vào những năm 2000, việc tiếp cận các thiết bị y tế có thể đeo được tại Việt Nam vẫn không dễ dàng. Không có thông tin trên mạng nên Trịnh Dũng và gia đình phải đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác ở nhiều tỉnh khác nhau để tìm kiếm cánh tay giả phù hợp. Các chuyến đi tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi các bệnh viện cung cấp các thiết bị với lựa chọn rất hạn chế.

"Trong hơn 40 năm qua, tôi đã sử dụng nhiều loạt cánh tay giả. Hầu hết chúng không có ngón tay, một số có móc gắn vào cánh tay để mang túi nhẹ. Cánh tay giả cuối cùng của tôi có các ngón tay nhưng chúng không hoạt động được", anh nói.

Trịnh Dũng là thành viên của Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội. Trong quá trình sinh hoạt tại đây, anh đã biết đến Vulcan Augmetics, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh chuyên phát triển, sản xuất các mô đun (phần có thể tháo lắp, thay đổi) chân tay cho người khuyết tật.

Thời điểm đó, startup này mới mở rộng ra Hà Nội và Trịnh Dũng đã có cơ hội gặp gỡ nhóm và tìm hiểu về sản phẩm của họ.

"Cánh tay của Vulcan nhẹ và các ngón tay có nhiều chức năng", Trịnh Dũng cho biết. Giờ đây, anh có thể giúp gia đình điều hành một cửa hàng bán vật liệu xây dựng nhỏ và cánh tay từ Vulcan giúp anh có thể thực hiện các công việc hàng ngày mà không gặp rắc rối.

Trịnh Dũng là một trong những người được hưởng lợi từ dự án phi lợi nhuận của Vulcan, Uplift, nhằm lắp đặt miễn phí chân tay giả cho những người khuyết tật không đủ tiền mua chúng.

Cánh tay robot Make in Viet Nam

Với mong muốn giúp đỡ người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, vượt qua mọi khó khăn để chứng minh bản thân, Trịnh Khánh Hạ - người sáng lập Vulcan mong muốn mang đến sản phẩm hữu ích cho những người kém may mắn.

Trịnh Khánh Hạ cho hay Rafael Masters (người Ấn Độ, đồng sáng lập) có nhiều bạn bè là người khuyết tật, nhưng nhờ công nghệ và hệ thống y tế từ chính phủ, các bạn của anh sống hạnh phúc như bao người. "Rafael Masters và tôi mong muốn mang công nghệ robotics đến với tất cả người khuyết tật tại Việt Nam và các quốc gia đang phát triển", Hạ nói.

Tại Vulcan Augmetics hiện nay, Trịnh Khánh Hạ chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh, marketing; Rafael Masters là CEO đảm nhiệm việc giám sát chiến lược kinh doanh, phát triển và kỹ thuật cơ khí; Akshay Sharma là CTO, anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin và robot, từng làm việc trong Dự án Galileo với Intel.

Chia sẻ về ý tưởng sáng lập công ty, cô gái trẻ Trịnh Khánh Hạ cho biết Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó, 40% bị thất nghiệp. Việc người khuyết tật bị hạn chế tham gia thị trường lao động khiến cuộc sống và gia đình của họ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống y tế, các chính sách phúc lợi cũng như các sản phẩm hỗ trợ hiện có trên thị trường vẫn còn chưa hướng tới phục vụ một cách trọn vẹn.

Trong khi đó, các sản phẩm tay chân chức năng trên thị trường đều 100% nhập ngoại từ châu Âu, châu Mỹ, với giá từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi sản phẩm. Không chỉ giá cao, việc bảo trì, bảo hành cũng không dễ dàng vì hầu hết các sản phẩm đều nhập khẩu qua các nhà phân phối đơn lẻ, không có trung tâm tư vấn, bảo hành, sửa chữa nâng cấp tại Việt Nam

Theo Trịnh Khánh Hạ, điểm khác biệt lớn nhất ở các cánh tay giả của Vulcan là sự linh hoạt trong thiết kế sản phẩm, bao gồm các khớp nối được thiết kế chuyên biệt kết nối với những mô-đun tháo lắp cho từng công việc cụ thể. Vulcan Augmetics không tạo ra những cánh tay hoàn thiện, mà thay vào đó startup này tạo ra một phần cánh tay chính không thay đổi và những phần rời có thể được tháo lắp vào phần chính, tùy vào nhu cầu sử dụng của người dùng. Nhờ vậy mà startup này luôn giữ cho giá thành sản phẩm phù hợp kể cả đối với người có ngân sách hạn hẹp.

Vulcan Augmetics kết hợp quy trình sản xuất truyền thống với in 3D và ép phun để có thể dễ dàng nhân rộng và hạ giá thành sản phẩm. Thay vì giá 60 triệu đồng như của nước ngoài, cánh tay robot có giá từ 23 - 25 triệu đồng của Vulcan Augmetics sẽ giúp cho nhiều người khuyết tật có thể tự sinh hoạt, lái xe, thậm chí chơi thể thao.

"Khung được làm bằng kim loại, bởi vậy chúng tôi sử dụng phương pháp sản xuất hàng loạt truyền thống. Tất cả các bộ phận bằng nhựa hiện được sản xuất thông qua công nghệ in 3D, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp ép phun nhiều hơn để chế tạo các bộ phận rời hoặc phụ kiện trong tương lai ", Masters cho biết.

Description: https://media.congnghiepcongnghecao.com.vn/Images/Upload/User/bientapkhcn/2022/3/tt4.jpeg

Nhà sáng lập Vulcan Rafael Masters (trái) trao tặng sản phẩm cho người dùng

Các bộ phận rời của Vulcan có dạng mô-đun và chúng được cắm và ghép lại với nhau giống như những miếng Lego. Nếu một bộ phận bị hỏng, công ty có thể gửi bộ phận thay thế đến cho người dùng trong vòng 5 ngày làm việc.

"Người dùng có thể nâng cấp lên các mô hình cao cấp hơn của chúng tôi theo thời gian", Masters nói thêm.

Sản phẩm của Vulcan Augmetics được gắn các cảm biến giúp người khuyết tật không những có thể thực hiện các thao tác cầm nắm, lái xe mà còn có thể xoay cổ tay 360o. Người dùng có thể sử dụng thành thạo các thao tác trong vòng 2 tuần. Các ngón tay đủ khỏe và khéo léo để thực hiện các công việc như mở lọ, cắt thức ăn, lái xe máy, chụp ảnh. "Một trong những người dùng của chúng tôi thậm chí có thể lái xe tới 8 giờ một ngày bằng cánh tay giả", Masters nói.

Đối với khoảng thời gian 2,5 năm cho nghiên cứu, chuẩn bị và ra mắt thị trường vào đầu năm 2021, tiến độ của Vulcan vượt trội hơn một số startup về công nghệ khác, nhất là công nghệ trong lĩnh vực y tế. Đến nay, Vulcan đã hợp tác phân phối sản phẩm cánh tay robot tại 17 bệnh viện, trung tâm chỉnh hình uy tín trên cả nước và riêng trong năm 2021 đã có 46 người dùng sản phẩm.

Hầu hết những người sử dụng Vulcan Augmetics là những người trẻ có độ tuổi từ 18 - 40. Do đó, cánh tay được thiết kế trông rất tinh xảo.

Trong tương lai, Vulcan Augmetics kỳ vọng với công nghệ đang phát triển, người khuyết tật sẽ không còn "yếu thế", mà trở thành những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để "nâng cấp" cơ thể con người. "Chúng tôi sẽ có giải pháp thiết bị để bổ trợ cơ thể chúng ta sống cuộc đời năng động, tự tin và trọn vẹn nhất", nhà sáng lập Trịnh Khánh Hạ chia sẻ.

Công ty cho biết có kế hoạch mở rộng cung cấp sản phẩm của mình. Điều này có thể thực hiện được vì công nghệ dành cho các bộ phận giả, bao gồm học máy để đọc các ký hiệu sinh học, có thể được tận dụng trên tất cả các robot có thể đeo được, bao gồm cả thiết bị di động và thiết bị phục hồi chức năng đột quỵ.

Vulcan Augmetics cũng đang nhắm đến việc mở rộng khu vực sang Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong tương lai gần. Tầm nhìn của startup là phục vụ 38 triệu người khuyết tật trên toàn cầu.

"Chúng tôi là một công ty Việt Nam và chúng tôi tự hào về điều đó. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng các quốc gia ở Đông Nam Á có thể là những người đi tiên phong và đổi mới công nghệ, không chỉ trong phần mềm, mà còn trong các ngành công nghiệp phần cứng và robot", Masters nói./.

https://congnghiepcongnghecao.com.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 6539
Tổng lượt truy cập: 3.621.132
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!