Chế tạo màng bọc ăn được từ tinh bột sắn
Màng bọc thực phẩm xanh
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm bánh kẹo trên thị trường đựng bằng bao bì nhựa, bên trong còn rất nhiều những túi nhựa nhỏ khác để chứa từng chiếc kẹo hoặc bánh. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm tăng đáng kể lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày.
Trước vấn đề đó, nhóm EdiFilm gồm các thành viên Mạc Thị Vi, Nguyễn Vũ Như Quỳnh, Nguyễn Hoài An, Phạm Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Văn Tú, chuyên ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã thử nghiệm và nghiên cứu thành công màng bọc ăn được, góp phần giải quyết vấn đề về bao bì plastic.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Mạc Thị Vi, EdiFilm là từ viết tắt của edible film - màng bọc ăn được với nguyên liệu chủ yếu là tinh bột sắn. Màng không mùi, không vị, màu trắng đục và có độ mềm dẻo cao, có thể vò hoặc xé. Màng Edifilm có khả năng ép dán tốt (có thể dùng máy ép nóng để hàn dán), không tan trong nước lạnh nhưng tan trong nước sôi, khi vứt ra môi trường thì chúng hoàn toàn phân huỷ trong vòng 2 ngày ở điều kiện trời mưa. Đặc điểm này giúp giải quyết được vấn đề lượng túi nhựa sử dụng cho các bọc đồ ăn liền như gói phở, mì hay các loại bánh, đồ khô bọc nhiều lớp túi nhựa.
Chia sẻ về lợi ích của màng Edifilm, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Cứ ăn một gói phở, bạn thải ra môi trường 4-5 túi plastic. Như vậy, nếu thay thế các túi, khay bên trong bằng bao bì ăn được thì chỉ thải ra môi trường duy nhất 1 túi plastic”.
Để sản xuất sản phẩm màng bọc Edifilm, các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, thiết bị phải đảm bảo như: bồn phối trộn, bồn gia nhiệt có cánh khuấy có vỏ áo điều nhiệt, tác nhân gia nhiệt là hơi nước bão hòa, thiết bị đổ khuôn dạng băng tải có thanh gạt bên trên để kiểm soát độ dày của lớp dung dịch đổ và, thiết bị hút chân không, thiết bị sấy đối lưu…
Tính sáng tạo, đổi mới và công nghệ
Trên thế giới, hiện nay đã có các sản phẩm bao bì ăn được nhưng hầu hết lại không phù hợp với điều kiện tài nguyên sẵn có của Việt Nam. Có thể kể đến như sản phẩm bao bì ăn được làm từ tảo biển của Indonesia, nhưng ở Việt Nam, tảo biển còn hiếm và giá thành cao. Trong khi đó, bao bì Edifilm được làm phần lớn từ tinh bột sắn - một nguồn nguyên liệu dồi dào ở Việt Nam với giá thành rẻ.
Sản phẩm màng bọc ăn được Edifilm được đánh giá là có tính ứng dụng cao (Ảnh: vnexpress.net/)
Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay: “Hiện nay hầu hết các sản phẩm ăn liền của các doanh nghiệp thực phẩm đều sử dụng bao bì nhựa để bọc vắt mì, miến, phở và đựng gia vị. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng cảm thấy việc phải xé các gói mì và gia vị khá mất thời gian, bất tiện vì dính tay. Ngoài ra, họ còn cảm thấy việc phải thải bỏ quá nhiều bao bì nhựa sử dụng một lần rất có hại cho môi trường. Khi sử dụng Edifilm cho các sản phẩm này, người tiêu dùng chỉ việc đổ nước sôi vào các gói mì, gia vị thì nó sẽ tự tan ra. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp mì ăn liền mong muốn được thử màng bọc này cho sản phẩm của họ."
Có thể nói, màng bọc Edifilm được coi là giải pháp hữu hiệu để thay thế bao bì bên trong của một số loại sản phẩm như bánh kẹo, mì phở ăn liền, trà, cà phê hoà tan,... Màng bọc này cũng có thể được bán lẻ cho người tiêu dùng để sử dụng trong việc bảo quản thực phẩm. Đồng thời, việc sử dụng màng bọc ăn được Edifilm còn góp phần hướng đến một xã hội phát triển bền vững, không còn phụ thuộc vào các sản phẩm làm từ nhựa, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm giúp chuyển đổi kinh tế sang hướng tuần hoàn, hướng đến mục tiêu xả thải môi trường tiến về mức 0.
Dự án màng bọc ăn được Edifilm của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa TP. HCM đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ quỹ ICM Falk Foundation và được đồng hành cùng chương trình ươm tạo C-Plastic của Kisstarup. Ngoài ra, dự án của nhóm cũng lọt vào chung kết Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Báo VnExpress tổ chức.
https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/