Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 27-03-2023

mGreen: Giải pháp phân loại và thu gom rác tái chế

Nổi tiếng với chiến dịch “Đổi rác lấy quà”, mGreen đang nỗ lực thuyết phục người dân phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu các tác hại cho môi trường.

g

Rác thải tái chế được phân thành 3 nhóm. Ảnh: Báo TN&MT

Đều đặn mỗi tháng, bà Hoa lại “tay xách nách mang” những bịch giấy vụn, túi chai lọ nhựa đã qua sử dụng đến điểm “đổi rác lấy quà” ở đường Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà vừa nhanh nhẹn mở ứng dụng trên điện thoại để nhân viên thu gom tích điểm, vừa hào hứng khoe rằng “đã tích đủ điểm để đổi một bình sữa thuỷ tinh cho thằng cháu ngoại”.

Bà Hoa là một trong số những người đã tích cực tham gia phân loại rác tái chế tại nhà từ tháng 8/2020, khi chương trình “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa” được triển khai tại ba phường Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. “Lúc nào đau chân thì tôi dồn lại, đặt lịch hẹn các bạn đến nhà lấy. Buồn buồn thì mở ra xem mình gom được bao nhiêu rồi, đủ điểm để đổi quà gì. Cũng tiện.”, bà chia sẻ.

Những hoạt động đặt lịch, xem điểm, đổi quà trong lời của bà Hoa thực chất là những tính năng được tích hợp trong ứng dụng mGreen do doanh nghiệp xã hội mGreen phát triển.

Theo chị Trần Thị Thoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xã hội mGreen, công ty được thành lập với mục đích kêu gọi và thu gom rác tái chế ngay từ đầu nguồn, áp dụng cơ chế tích điểm. Số điểm được đổi thành quà, sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí; nhằm khuyến khích người dân chủ động phân loại rác, tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn. Từ đó, giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.

“Mỗi ngày, tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng 8.000 - 10.000 tấn rác thải ra môi trường, tạo sức ép rất lớn cho công tác thu gom, xử lý; khiến việc phân loại, thu gom rác tại nguồn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”, chị Thoa chia sẻ tại sự kiện giới thiệu giải pháp do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức.

Hợp phần của hệ thống công nghệ mGreen gồm ba ứng dụng di động – ứng dụng dành cho chủ nguồn thải, ứng dụng mGreen collector dành cho đơn vị thu gom rác, ứng dụng mPoint shop dành cho cửa hàng liên kết và một trang quản trị thông tin cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý.

“Khi cài đặt ứng dụng mGreen, người dùng, chủ nguồn thải được hướng dẫn, biết phân loại rác, kết nối với người thu gom rác tái chế sau khi phân loại (như đặt lịch thu gom); tích điểm từ việc phân loại rác, điểm liên kết sử dụng cho tiêu dùng mua sắm hoặc đổi nhu yếu phẩm, quà tặng...”, chị giải thích.

Người dùng có thể chọn các phương án như thu hằng ngày, thu định kỳ hoặc thu qua ứng dụng. Để được thu gom hằng ngày, các hộ gia đình sẽ phân loại rác tái chế và các loại rác còn lại vào những túi riêng biệt cho công nhân môi trường thu gom. Với thu định kỳ, từ 7h00 đến 11h00 thứ bảy hằng tuần, mGreen sẽ tổ chức các điểm thu mua rác tái chế trên địa bàn các phường, người dân chỉ việc mang rác đến tận nơi. Trong trường hợp khối lượng rác từ 0,5 mét khối hoặc 20kg trở lên, người dân có thể đặt lịch thu gom rác tại nhà qua ứng dụng, hoặc liên hệ trực tiếp với Urenco và Citenco - đối tác thu gom rác của mGreen.

mGreen thực hiện thu gom bằng hình thức thu mua hoặc thu đổi lấy quà, tích điểm theo khối lượng và theo lần phân loại rác tái chế. Điểm thưởng đổi được quà tặng và mua sắm tiêu dùng không cần dùng tiền mặt. Chủ nguồn thải được hướng dẫn phân loại rác, lưu trữ lịch sử phân loại – thu gom rác - đổi quà, và chương trình giáo dục hướng dẫn kiến thức qua các game môi trường. Người thu gom rác tái chế cũng được hưởng doanh thu từ rác tái chế và các phúc lợi xã hội khác thông qua việc thu gom rác bằng ứng dụng di động mGreen collector.

Sau ba năm triển khai, “dự án đã có hơn 50.000 người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, 10.000 người sử dụng ứng dụng mGreen, hơn 300 đối tác đã kết nối và hơn 300 tấn rác tái chế được thu gom với tổng giá trị thu về trên 50 tỷ đồng”, chị Thoa tự hào chia sẻ. Dự án đã đoạt Giải thưởng “Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu’ do World Bank, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức.

Lan toả hơn nữa

Đăng nhập vào ứng dụng mGreen, ta dễ dàng nhận thấy ứng dụng không có nhiều tính năng phức tạp, giao diện cũng không có gì đặc biệt đủ để khiến người dùng phải sửng sốt, vậy điều gì khiến ứng dụng thu hút được người dùng? “Nó đơn giản, dễ dùng” - có lẽ câu trả lời của bà Hoa đã giải đáp câu hỏi này.

Đội ngũ xây dựng mGreen cho biết họ đã khảo sát, lắng nghe chia sẻ của những người dùng mGreen để phát triển các tính năng khác nhau theo nhu cầu. “Chúng tôi muốn lan tỏa ứng dụng đến nhiều người hơn nữa. Mỗi người dùng đều quan trọng, họ sẽ tiếp tục giới thiệu cho hàng xóm, bạn bè, người thân của mình”, chị Trần Thị Thoa phân tích. Một ứng dụng thân thiện sẽ giúp mGreen tiếp cận với những người già - vốn cần kiệm và tích góp những vật dụng còn có ích - và những người nội trợ - phụ trách các công việc dọn dẹp, mua sắm trong gia đình.

Để có được một số lượng người dùng như hiện tại, mGreen đã đi qua một chặng đường khó khăn. Khi mới bắt đầu, công ty đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục mọi người về tính khả thi của dự án. Không chỉ phải thuyết phục người dân, họ còn phải tìm ra cách tác động đến quy định, cách thức thu gom rác của các công ty môi trường, cũng như nơi tập kết rác tái chế sau khi thu gom. Bên cạnh đó, dự án cũng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn vận hành. Cuối cùng, chị Thoa quyết định viết thư gửi chính quyền UBND TP. Hà Nội để xin hỗ trợ. Bức thư đã khiến mọi thứ thay đổi ngay sau đó. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Urenco đã họp với đội ngũ mGreen để nhân rộng mô hình triển khai. Giờ đây, mGreen đã hiện diện tại Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh v.v.

Đại sứ thu gom và phân loại rác thải

Đại sứ thu gom và phân loại rác thải

Cho đến hiện tại, mGreen vẫn phối hợp với chính quyền địa phương, công ty thu gom - tái chế rác thải để mở rộng hoạt động, bởi lẽ hướng phát triển của công ty phù hợp với định hướng của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Theo ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường), “Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ tháng 1/2022, trong đó yêu cầu chủ nguồn thải phải thực hiện việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình”. Người dân sẽ mua túi đựng rác để trả phí thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, điều này đồng nghĩa với việc thải rác càng nhiều thì phải trả càng nhiều tiền. “Đối với các loại rác thải tái chế, người dân thay vì phải tốn tiền mua túi thì chỉ cần thông qua ứng dụng mGreen để đặt lịch thu gom. Đó cũng là một giải pháp hữu hiệu”. Ông Thi phân tích.

Hiện lượng rác thải mỗi ngày tại các đô thị khoảng 32.000 tấn (được thu gom khoảng 85,5%); trong đó khu vực nông thôn là 14.200 tấn/ngày (được thu gom 45-55%). Việc xử lý rác thải đang thực hiện bằng nhiều cách nhưng chủ yếu xử lý bằng chôn lấp (chiếm 63%); phương pháp đốt chiếm khoảng 14%, tái chế khoảng 10%, còn lại là phân hữu cơ. Thói quen phân loại rác tại nguồn còn thấp. Hạ tầng thu gom rác tái chế còn manh mún, chủ yếu dựa vào những người thu gom trong khu vực phi chính thức.

Tự xem mình là những người “trung gian”, chị Thoa cho biết mGreen mong muốn thời gian tới không chỉ phối hợp với các công ty môi trường, mà còn có thể kết nối và quản lý tổng thể chuỗi cung ứng rác tái chế - giữa chủ nguồn thải, đơn vị thu gom rác, người mua bán phế liệu, các công ty có nhu cầu tái chế, nhà sản xuất. Chẳng hạn, nếu nhà máy tái chế đặt lệnh “Hôm nay tôi cần 10 tấn nhựa để sản xuất chai lọ”, những người thương lái thu mua rác tái chế sẽ nhận được thông tin thông qua hệ thống, và phản hồi lại rằng mình có khả năng cung ứng bao nhiêu với giá cả thế nào. Sau khi thống nhất, người thương lái sẽ gửi thông báo tới các vựa đồng nát về khối lượng, chủng loại rác tái chế cần mua. “Chúng tôi muốn phối hợp với đa dạng các đơn vị thu gom rác, từ chính thức đến phi chính thức, từ các cá nhân đến tổ chức”, bà chia sẻ về tham vọng trong tương lai.

Trên thực tế, những người thu gom tái chế trong khu vực phi chính thức (thường gọi là “đồng nát”, “ve chai”) đang ở tuyến đầu trong việc thu hồi những vật liệu có thể bán được như bìa cứng, giấy, kim loại, chai nhựa. Họ nhặt rác từ những đống rác vô chủ hoặc mua lại từ nhà dân, cửa hiệu và siêu thị. Khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể trong việc tái chế và tái sử dụng chất thải ở Việt Nam nhưng họ thường bị đánh giá thấp, phải làm việc trong điều kiện bấp bênh, môi trường làm việc ô nhiễm. Thời gian tới, mGreen sẽ thúc đẩy việc kết nối những người thu gom với chủ nguồn thải, để giúp họ có được môi trường làm việc ổn định và an toàn hơn. Không chỉ vậy, đội ngũ mGreen cũng đang làm việc với các nhà sản xuất, nhãn hàng, để hỗ trợ họ thực hiện trách nhiệm thu hồi bao bì sản phẩm, đóng góp bảo vệ môi trường.

Với mGreen, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Không thể kỳ vọng rằng có thể hiện thực hóa mọi thứ chỉ trong một sớm một chiều”, ông Nguyễn Thi nhận định, bởi “chúng ta cần thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người, và thay đổi cả một hệ thống thu gom phân loại rác. Tất cả những điều đó đòi hỏi sự kiên trì”.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 226
Tổng lượt truy cập: 4.027.535
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!