Tiêu chuẩn thực phẩm Codex với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc
Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế và tiêu chuẩn Codex
Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex Alimentarius Commission – CAC) là cơ quan liên chính phủ của Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được thành lập vào năm 1963. Hiện tại, CAC có 188 thành viên (187 quốc gia và một tổ chức thành viên là EU). Ngoài ra, CAC hiện có 234 quan sát viên (bao gồm 54 tổ chức liên chính phủ, 164 tổ chức phi chính phủ và 16 tổ chức Liên hiệp quốc).
Tính đến năm 2021, Bộ tiêu chuẩn thực phẩm Codex gồm 224 tiêu chuẩn cùng với khoảng 140 quy phạm thực hành và hướng dẫn cũng như các khuyến nghị khác đã được Ủy ban thông qua với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên toàn cầu đồng thời giảm bớt các rào cản thương mại không cần thiết đối với thực phẩm.
Các tiêu chuẩn Codex quốc tế là những khuyến nghị để các thành viên tự nguyện áp dụng, nhưng trong nhiều trường hợp đó là cơ sở của các văn bản quy phạm pháp luật của các nước thành viên. Tại Việt Nam, nhiều tiêu chuẩn Codex về sản phẩm thực phẩm đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) – văn bản tự nguyện áp dụng, nhưng các khuyến cáo của Codex về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm là căn cứ để Bộ Y tế biên soạn và ban hành các thông tư (văn bản quy phạm pháp luật) tương ứng. Việc tham chiếu các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Codex trong Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định SPS) cho thấy tiêu chuẩn Codex có ý nghĩa sâu rộng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu muốn áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn các biện pháp do Codex đặt ra thì cần phải giải trình một cách khoa học về các biện pháp này.
Các mục tiêu phát triển bền vững
Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ). SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG).
Các SDG dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. SDG toàn diện hơn so với MDG và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này không chỉ bao gồm phát triển xã hội mà còn đề cập đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu dùng bền vững, hòa bình, công bằng… Các mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.
Tiêu chuẩn thực phẩm Codex đáp ứng SDG
Các tiêu chuẩn thực phẩm Codex có mục đích chung là để thực phẩm an toàn hơn, tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi. Do đó, các tiêu chuẩn này đáp ứng 6 SDG sau đây trong tổng số 17 SDG của LHQ:
SDG 1 là “No poverty” (Chấm dứt mọi hình thức nghèo). Xóa nghèo dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh là thách thức toàn cầu lớn nhất và là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững. Nếu các nước thành viên chấp nhận các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu như tiêu chuẩn Codex thành tiêu chuẩn quốc gia thì các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các thị trường mới và thúc đẩy thương mại, từ đó tạo ra việc làm. Việc đạt được mục tiêu này đồng nghĩa với việc chấm dứt nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp.
SDG 2 là “Zero hunger” (Xóa đói). Đây là một mục tiêu rõ ràng đối với CAC. Mục tiêu thành phần đầu tiên của SDG 2 (mục tiêu 2.1) là đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng thiếu đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng và đầy đủ quanh năm. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động của Codex về an toàn thực phẩm và kết quả tích cực về an ninh lương thực. SDG 2 cũng đề cập đến thương mại và nêu rõ sự cần thiết phải điều chỉnh và ngăn chặn các hạn chế thương mại – một khía cạnh trọng tâm khác trong nhiệm vụ của CAC.
SDG 3 là “Good health and well-being” (Sức khỏe tốt và hạnh phúc). Khi các nền kinh tế đang phát triển tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Codex và sau đó sử dụng các tiêu chuẩn đó làm cơ sở cho các tiêu chuẩn quốc gia thì đây chính là việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cả trong và ngoài biên giới quốc gia của họ. Việc tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm sẽ cho phép các quốc gia thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng bệnh tật do thực phẩm. Theo ước tính của WHO, năm 2010 trên thế giới có khoảng 600 triệu ca bệnh do thực phẩm và 420.000 ca tử vong do 31 mối nguy lớn về an toàn thực phẩm. Do đó, nhiệm vụ của CAC được đề cập trực tiếp ở SDG 3. Các tiêu chuẩn và văn bản Codex liên quan đến chất lượng vệ sinh và dinh dưỡng của thực phẩm, bao gồm các chỉ tiêu vi sinh, phụ gia thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y, chất ô nhiễm, về ghi nhãn thực phẩm cũng như phương pháp lấy mẫu và phân tích nguy cơ, do đó có đóng góp đặc biệt vào mục tiêu 3.9 là đến năm 2030, về cơ bản giảm thiểu số người chết và bệnh tật do hóa chất độc hại và ô nhiễm, ô nhiễm không khí, nước và đất.
SDG 8 là “Decent work and economic growth” (Việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế). Các mục tiêu thành phần của SDG 8 chủ yếu liên quan đến tăng trưởng, năng suất và việc làm. Tham gia vào CAC sẽ giúp các quốc gia hướng tới việc đạt được “việc làm đầy đủ, hiệu quả và công việc tử tế cho tất cả mọi người”. Thương mại là cơ hội sống còn cho tăng trưởng trong lĩnh vực thực phẩm và các tiêu chuẩn Codex thúc đẩy các biện pháp thực hành công bằng trong thương mại thực phẩm bằng cách loại bỏ các hạn chế thương mại và các rào cản đối với thương mại.
SDG 12 là “Responsible consumption and production” (Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm). Một trong những mục tiêu thành phần của SDG 12 là “giảm một nửa lãng phí thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, giảm thất thoát thực phẩm dọc theo chuỗi sản xuất và cung ứng”. CAC làm việc dựa trên các quy định về ghi nhãn thực phẩm một cách chính xác và đáng tin cậy, do đó liên quan trực tiếp đến mục tiêu này. SDG 12 cũng yêu cầu quản lý hợp lý đối với hóa chất. Hóa chất trong thực phẩm là mối quan tâm về sức khỏe trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây trở ngại thương mại. Những khuyến cáo của chuyên gia do FAO và WHO cung cấp cho Codex đảm bảo rằng mức độ phơi nhiễm chính xác được quy định trong các tiêu chuẩn của Codex để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
SDG 17 là “Partnerships for the goals” (Quan hệ đối tác đối với các SDG). Quan hệ đối tác có nghĩa rằng làm việc cùng nhau sẽ đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong động lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. Bản thân CAC là một trong những ví dụ tốt nhất và lâu dài nhất về quan hệ đối tác trong hệ thống Liên hiệp quốc. CAC cùng với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) là một phần của quan hệ đối tác bền chặt khác trong các vấn đề toàn cầu như kháng thuốc kháng sinh hoặc khi được coi là chuẩn mực cho các tiêu chuẩn trong các tranh chấp thương mại của WTO. Codex cũng tin tưởng vào giá trị của quan hệ đối tác với tất cả các bên liên quan, cả thành viên và quan sát viên, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. CAC tự đánh giá so với các tổ chức khác như ISO để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn Codex là các tiêu chuẩn dựa trên khoa học tốt nhất và là tiêu chuẩn khả thi nhất.
Mục tiêu 17 mô tả một “hệ thống thương mại đa phương phổ quát, dựa trên quy tắc, cởi mở, bình đẳng và không phân biệt đối xử” thì chính là đang đề cập trực tiếp đến nhiệm vụ, mục tiêu và công việc hàng ngày của CAC.
https://tcvn.gov.vn/