Sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT: Những mục tiêu cụ thể
Việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm thực hiện nhiều mục tiêu như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, quản lý chặt chẽ hoạt động đánh giá sự phù hợp, thúc đẩy việc xây dựng, triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Ảnh minh họa
Theo Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL), mục tiêu tổng thể của việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT) là nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ “Chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi các luật quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (tại Phụ lục của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án sửa đổi Luật TC&QCKT thuật trình Chính phủ và Quốc hội ban hành (Phụ lục 2 Nghị quyết số 54/NQ-CP).
Việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT nhằm thể chế hóa các các cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia như Hiệp định WTO/TBT, CPTPP, EVFTA, RCEP, ASEAN….
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, các khoảng trống pháp lý đang tồn tại trong thực tiễn triển khai 15 năm thi hành Luật TC&QCKT, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống TC&QCKT của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về mục tiêu cụ thể, đối với việc đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch hoá, việc sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định, cam kết trong các FTA thế hệ mới về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại; khuyến khích sự chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch hóa; thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp) phù hợp với cam kết trong các Điều ước quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Bổ sung quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia để đảm bảo thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các Điều ước quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, việc sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT theo hướng xác định rõ chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển toàn diện lĩnh vực tiêu chuẩn, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn thể hiện tầm nhìn với kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.
Về xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, việc sửa đổi bổ sung Luật TC&QCKT tạo một hàng lang pháp lý để khuyến khích, hỗ trợ việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, giảm tải gánh nặng cho nhà nước; nâng cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp có năng lực xây dựng tiêu chuẩn, điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về hoạt động đánh giá sự phù hợp, sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá sự phù hợp, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; phạm vi hoạt động của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam để phù hợp với cam kết Hiệp định FTA thế hệ mới.
Về đối tượng, quy trình xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; quản lý, khai thác tiêu chuẩn; tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, việc sửa đổi, bổ sung một số điều giúp thống nhất quản lý công tác lập kế hoạch xây dựng QCVN, QCĐP nhằm đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo giữa các bộ ngành, địa phương;
Hoàn thiện quy trình, thủ tục, nội dung xây dựng, tổ chức hội đồng thẩm định QCVN, hội đồng đánh giá QCĐP; Hoàn thiện quy định về xây dựng, áp dụng TCCS theo hướng mở, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới; Hoàn thiện quy trình quy trình xây dựng, thẩm định, công bố, áp dụng TCVN;
Đảm bảo việc quản lý, khai thác tiêu chuẩn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật và các cam kết quốc mà Việt Nam đã kí kết; Xem xét quy định cụ thể chính sách tập trung thu hút, hỗ trợ nguồn lực tài chính, con người nhằm mục tiêu phát triển Ban kỹ thuật tương ứng với Ban kỹ thuật quốc tế, khu vực, là trung tâm của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn; Đảm bảo công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đạt hiệu quả cao.
Về quy định giữa Luật TC&QCKT với quy định tại các Luật khác, rà soát quy định về công bố sản phẩm tại Luật An toàn thực phẩm và quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy trong trong Luật TC& QCKT nhằm loại bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định pháp luật khi thực hiện; Hoàn thiện quy định về đánh giá sự phù hợp, công nhận, thừa nhận nhằm loại bỏ mẫu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, các luật chuyên ngành khác và đảm bảo tuân thủ cam kết trong FTA thế hệ mới.
Để đạt được các mục tiêu như đã đặt ra ở trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách này sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.
https://tcvn.gov.vn/