Đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy vai trò của đo lường và đẩy mạnh việc thực thi Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996), ngày 6/01/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp”.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, đo lường là một ngành khoa học gắn bó chặt chẽ với đời sống, sản xuất, an ninh và quốc phòng. Đo lường chính xác sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo công bằng trong thương mại, đảm bảo sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của nhân dân. Sự chính xác của đo lường là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, đo lường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu. Hội thảo là nơi tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới.
Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu chia sẻ hoạt động đo lường tại hội thảo.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Đo lường Trần Quý Giầu chia sẻ, đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó trong lĩnh vực công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe của người lao động trong môi trường sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đấy đổi mới công nghệ, tối ưu trong sản xuất. Trong lĩnh vực thương mại, đo lường góp phần đảm bảo công bằng và chính xác, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo lợi ích hợp pháp doanh nghiệp trong các giao dịch kinh tế, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Đối với hạ tầng đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các thiết bị đo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đo lường và được thừa nhận quốc tế sẽ giảm chỉ phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị đo ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã có các bài tham luận liên quan đến giải pháp quản lý trạm/trụ sạc xe điện trong giai đoạn hiện nay; chuẩn thời gian với thị trường chứng khoán Việt Nam; hệ thống chuẩn đo lường quốc gia lĩnh vực lưu lượng khí tại VMI đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và đo lường chính xác tại doanh nghiệp.
https://vjst.vn/